Tăng cường giám sát việc tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ

Anh Vũ 01/11/2016 18:30

Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn, cần tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ tại các địa phương, cơ sở không để xảy ra sai sót, thất thoát, tiêu cực.

Chiều 1/11, tại Hà Nội, Ban Cứu trợ Trung ương đã họp để báo cáo tình hình thiệt hại và công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Dự cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban cứu trợ Trung ương Trần Thanh Mẫn; ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng bộ LĐTB&XH, Phó trưởng ban Cứu trợ Trung ương cùng đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban cứu trợ TƯ
​ phát biểu tại cuộc họp.

Hơn 17 tỷ đồng ủng hộ, đăng ký ủng hộ Quỹ cứu trợ Trung ương

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương Trần Thanh Mẫn, để góp phần cùng Chính phủ, chính quyền địa phương chia sẻ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngày 17/10 tại lễ phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cùng với đó, căn cứ Nghị định 64 của Chính phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn số 55/HD-MTTQ-BTT về việc tổ chức vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tính đến ngày 31/10, đã có 66 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trực tiếp đến ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra qua Ban Cứu trợ Trung ương với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định phân bổ 4 đợt cho các gia đình có người bị chết, mất tích, các gia đình có nhà bị đổ, sập trôi hoàn toàn do bão lũ với tổng số tiền là 4.550 triệu đồng trong đó Quảng Bình là 2.150 triệu đồng; Hà Tĩnh: 1.650 triệu đồng; Nghệ An: 250 triệu đồng; Quảng Trị: 250 triệu đồng; Thừa Thiên Huế: 250 triệu đồng.

Đến ngày 1/11, số tiền mới tiếp nhận chưa phân bổ là 10,705 tỷ đồng.

Tại các địa phương, thực hiện hướng dẫn của Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có 42/58 tỉnh thành phố có những hoạt động như tổ chức vận động, quyên góp, trích kinh phí dự phòng chuyển hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban cứu trợ vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, tổ chức doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bị thiệt hại.

Tính đến ngày 31/10, Ủy ban MTTQ 5 tỉnh miền Trung đã tiếp nhận 59,045 tỷ đồng, trong đó Ban Cứu trợ Trung ương chuyển về 4,55 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ 17 tỉnh thành phố chuyển trực tiếp cho các tỉnh bị thiệt hại là 28,7 tỷ đồng.

Tổng số tiền được phân bổ để cứu đói hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở tại 5 tỉnh bị thiệt hại do bão lũ là 22,813 tỷ đồng. Số tiền đã tiếp nhận và đang tiếp tục phân bổ sử dụng tại 5 tỉnh bị thiệt hại do bão lũ là 36,232 tỷ đồng.

5 tỉnh miền Trung cũng đã tiếp nhận hàng hóa cứu trợ như gạo, mỳ tôm, máy lọc nước, đồ dùng học sinh, quần áo trị giá gần 60 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận được hàng hóa các tỉnh đã nhanh chóng tiến hành phân bổ, chuyển hỗ trợ đến các gia đình bị thiệt hại.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, việc MTTQ Việt Nam kịp thời hỗ trợ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả trong việc ứng cứu khẩn cấp là hết sức cần thiết, trên cơ sở nguồn vốn tại chỗ, chính quyền các cấp đã chủ động huy động lực lượng ứng cứu cho đồng bào.

Chính vì vậy, đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và các địa phương đã chủ động đảm bảo được tính mạng, tài sản của người dân.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời thống kê mức độ thiệt hại và đưa ra kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với nhân dân vùng lũ như hỗ trợ gạo trong vòng 3 tháng đối với các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Từ nguồn lực của Chính phủ, thời gian tới Bộ sẽ xác định được mức độ thiệt hại của các công trình công cộng bị hư hỏng để đưa ra mức độ hỗ trợ kịp thời, chính xác.

Về nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng Đàm đề nghị các địa phương cần phải rà soát thống kê, lập danh sách cho từng hộ bị thiệt hại, từ đó thống nhất với Trung ương lập danh sách hỗ trợ cụ thể theo mức hiệu quả, công bằng, thiết thực để nhân dân ổn định cuộc sống.

Ông Trần Quốc Hùng, Đội trưởng Đội ứng phó của Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ trung hạn cần tập trung vào việc triển khai mô hình nhà chống bão lũ (nhà chòi) và hỗ trợ mức nhất định cho người dân sửa nhà, hỗ trợ nước sinh hoạt, và bò giống để người dân có sinh kế lâu dài.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị cần có quy định rõ hơn, cụ thể hơn về cơ quan điều phối và trợ giúp nhân đạo để việc hỗ trợ nhân dân hiệu quả hơn nữa.

“Việc tham gia hỗ trợ của các tổ chức cá nhân đã gây ra tình trạng có nhiều mặt hàng hỗ trợ nhân dân khó sử dụng được như quần áo cũ, bánh, sữa hết hạn. Mặc dù các đoàn hỗ trợ nhiều nhưng mỗi gia đình trong địa bàn chưa thể đủ một thùng mỳ tôm”, ông Hùng nêu thực tế.

Đó cũng là hạn chế mà Ban Cứu trợ Trung ương chỉ ra trong công tác phối hợp tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối tiền hàng cứu trợ có nơi, có lúc chưa thống nhất.

Bên cạnh kênh tiếp nhận, phân phối của Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ theo đúng quy định của Nghị định 64 của Chính phủ, một số cơ quan, tổ chức tiếp nhận và thực hiện phân bổ riêng không thông qua Ban cứu trợ cùng cấp, đặc biệt một số cá nhân tự tổ chức vận động không đúng với quy định của Nghị định 64 của Chính phủ.

Việc tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà trực tiếp cho đồng bào khắc phục thiệt hại bên cạnh mặt tích cực còn gây khó khăn cho địa phương, cơ sở trong việc tiếp nhận phân phối.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu ý kiến.

Giám sát chặt việc hỗ trợ không để thất thoát, tiêu cực

Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương Trần Thanh Mẫn, việc tổ chức vận động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục khó khăn, thiệt hại do bão, lũ gây ra đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tại các địa phương, công tác cứu trợ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền các thành viên Ban cứu trợ đã có những biện pháp tiến hành sơ tán người đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân, nhà nước.

Việc tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền hàng được tiến hành công khai, minh bạch, đúng đối tương và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị cần đôn đốc các địa phương giải ngân nhanh số tiền đã tiếp nhận còn lại chưa phân bổ trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nhà ở để người dân có chỗ ở ổn định sau lũ lụt; hỗ trợ khôi phục sản xuất về cây, con giống để đảm bảo sinh kế cho người dân.

Bên cạnh đó cũng cần quan tâm hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…

Ủy ban MTTQ và Ban cứu trợ các cấp tuyên truyền công khai việc vận động, tiếp nhận, phân bổ để nhân dân biết và giám sát.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để tuyên truyền kết quả ủng hộ và phân bổ quỹ cứu trợ các cấp.

Đặc biệt cần tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ tại các địa phương, cơ sở không để xảy ra sai sót, thất thoát, tiêu cực.

“Mưa lũ đang tiếp tục gây thiệt hại rất lớn về hạ tầng, hoa màu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nắm tình hình để việc hỗ trợ được kịp thời đảm bảo cho người dân khôi phục sản xuất có cuộc sống ổn định”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường giám sát việc tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO