Tăng cường hợp tác nghề cá

M.Loan - V.Thắng (ghi) 23/08/2016 09:35

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, ông Hoàng Anh Tuấn- Đại sứ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, dù còn một số vướng mắc nhưng hợp tác nghề cá Việt Nam - Indonesia đã có bước phát triển mới.

Tăng cường hợp tác nghề cá

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết, các ngư dân của ta đánh bắt cá trái phép bị phía Indonesia bắt giữ khá nhiều (hiện còn khoảng 400 ngư dân). “Bản thân ĐSQ thấy rằng, muốn bảo vệ công dân tốt, tôi nghĩ phải coi họ như những anh em trong gia đình, để mình làm một cách tối đa”- ĐS Hoàng Anh Tuấn nói và cho rằng, đầu tiên là phải liên hệ với các địa phương, nơi có các tàu cá thường xuyên sang hoạt động tại vùng biển Indonesia, để xác minh thông tin về các tàu cá, nhân thân; từ đó trao đổi với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. “Tôi nghĩ hai cơ quan này là hết sức quan trọng, trong việc cùng nhau hỗ trợ hoạt động để bảo hộ công dân. Còn về phía Indonesia, quan hệ của ĐSQ với các địa phương của Indonesia khá tốt”- theo ông Tuấn.

Nói về những khó khăn trong bảo hộ ngư dân Việt Nam, ĐS Hoàng Anh Tuấn cho biết, Indonesia là đất nước rộng lớn, gần 2 triệu km2 trải dài nên việc bảo hộ có những khó khăn phức tạp nhất định. “Chúng tôi đến điểm nóng nhất, nơi có nhiều ngư dân của chúng ta bị bắt để cho chính quyền địa phương ở đấy biết có sự quan tâm của ĐSQ; để bạn biết rằng, những ngư dân của ta tuy bị bắt nhưng rất cần bảo vệ những lợi ích của họ theo luật pháp.

Ngoài ra ĐSQ cũng có các quan hệ tốt với các bộ, cơ quan Trung ương của Indonesia như: Cảnh sát, Bộ Biển và Nghề cá, Bộ Ngoại giao. Với sự phối hợp nhiều chiều như vậy sẽ giúp bảo hộ công dân của ta một cách tốt nhất. Trên thực tế ngư dân của ta bị phía Indonesia bắt trung bình khoảng 2 tuần là đã đủ thủ tục từ phía Indonesia để trao trả về nước”- ĐS Hoàng Anh Tuấn cho biết.

PV:Ngoài kết nối thì chính sách vận động của ta thế nào để tạo thuận lợi cho bảo hộ công dân, thưa Đại sứ?

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Phải xác định lợi ích quốc gia, lợi ích người dân lên hàng đầu. Tôi công tác tại Indonesia đã 10 tháng nhưng trong 5 tháng đầu tiên không có cách gì gặp được bà Bộ trưởng Biển và Nghề cá của Indonesia, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ cuộc.

Vì Bộ Biển và Nghề cá là một Bộ hết sức quan trọng trong việc xây dựng chính sách biển và nghề cá của Indonesia, là nơi ảnh hưởng đến cuộc sống ngư dân của Việt Nam nên tôi vẫn kiên trì gặp bà để vận động. Để họ thấy rằng chính sách của mình trong việc bảo hộ ngư dân và không khuyến khích việc đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của Indonesia.

Chúng tôi cũng nói rằng Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm có thể thúc đẩy hợp tác. Với sự kiên trì của mình, hợp tác giữa các bộ, ban, ngành của Việt Nam với phía Indonesia trong lĩnh vực nghề cá đã có một số bước phát triển. Trong cuối tháng 7 đầu tháng 8 đã có 2 đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám sang và đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Susi, Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia.

Tất cả các đề nghị của Việt Nam đưa ra đều đã được Indonesia đáp ứng tích cực, tất nhiên nó cũng phù hợp với lợi ích của Indonesia và chúng ta. Hy vọng Biên bản ghi nhớ hợp tác nghề cá giữa Việt Nam-Indonesia trong giai đoạn 2016-2020 sẽ được ký vào tháng 9 hoặc muộn hơn một chút vào tháng 10, ngoài ra còn có các hợp tác khác. Với những hợp tác mới này các điểm có thể gọi là chưa thuận trong hợp tác nghề cá giữa hai bên trong việc xử lý vấn đề ngư dân sẽ được xử lý.

ĐSQ phối hợp với các cơ quan trong nước thế nào để hạn chế sự phức tạp của tình hình, thưa Đại sứ?

-Chúng tôi hợp tác rất nhiều và tích cực. Đối với những ngư dân của ta bị phía Indonesia bắt giữ, trong các lần chúng tôi đến thăm ở nơi có giam giữ ngư dân hay khi tiễn họ về nước bao giờ tôi cũng căn dặn họ không tái phạm nữa vì tái phạm phía Indonesia họ làm rất mạnh trong việc bắt giữ hoặc giam giữ lâu hơn đối với người tái phạm.

Trong việc đánh đắm các tàu mà phía Indonesia bắt thì chúng tôi luôn thông báo thông tin cho họ như thế về sự mạnh tay của Indonesia. Còn phía địa phương có các tàu bị Indonesia bắt nhiều, chúng tôi thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương này để họ cảnh báo ngư dân như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Nam.

Những địa phương này chúng tôi luôn có thông tin để cảnh báo họ về các biện pháp cứng rắn của Indonesia. Ngoài ra chúng tôi cũng thông tin tới Cục Lãnh sự, thông tin qua kênh báo chí để cho họ biết các biện pháp cứng rắn của Indonesia mục đích là để cho ngư dân biết mà tránh; tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Thời gian tới, công tác phối hợp và tuyên truyền giữa các ban ngành, địa phương của ta cần phải đẩy mạnh tích cực hơn nữa.

Giữa ta và Indonesia có tính đến chuyện hợp tác đánh bắt chung không?

- Hiện đánh bắt chung với Indonesia đang tạm dừng, nhưng có hợp tác về nuôi trồng, chế biến. Indonesia rất hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam, vừa rồi Thứ trưởng Vũ Văn Tám giới thiệu với bạn là các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong việc nuôi trồng và chế biến, phía Indonesia rất quan tâm. Với việc các doanh nghiệp sang nuôi trồng chế biến thủy hải sản tại Indonesia sẽ giúp tăng cường hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Indonesia và hy vọng đây cũng sẽ là một trong những yếu tố giảm chuyện đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam trên vùng biển của Indonesia.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường hợp tác nghề cá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO