Tăng cường thanh tra xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Lê Bảo 22/08/2020 08:58

Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước.

Đáng chú ý nhiều hành vi dù đã được hình sự hóa, tuy nhiên đến nay chưa có một trường hợp gian lận nào bị truy tố mà chủ yếu xử phạt hành chính. Chính việc xử lý nhẹ tay dẫn đến hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách có xu hướng gia tăng.

  Người lao động đăng ký hồ sơ hưởng BH thất nghiệp.
Người lao động đăng ký hồ sơ hưởng BH thất nghiệp.

Nhiều hành vi trục lợi

Có thể thấy trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự phát huy hiệu quả, trở thành “phao cứu sinh” cho rất nhiều người lao động (NLĐ) trước cơn bão thất nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, thủ tục ở nhiều địa phương đã xuất hiện hành vi trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Bình Thuận thống kê của BHXH tỉnh Bình Thuận, tính đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 6.134 người được hưởng chế độ BH thất nghiệp, với số tiền hưởng hàng tháng gần 17 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dự báo của BHXH tỉnh, trong tháng tới, con số người hưởng BH thất nghiệp có xu hướng gia tăng khoảng 20% so với hiện nay. Đáng chú ý từ đầu năm đến nay cơ quan BHXH tỉnh đã phát hiện 217 trường hợp khai báo gian dối để nhận tiền trợ cấp BH thất nghiệp. Nhiều trường hợp dù đã xin được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký nhận BH thất nghiệp hoặc có trường hợp có thu nhập khác hoặc nghỉ sinh con cũng đăng ký nhận BH thất nghiệp. Thậm chí có trường hợp NLĐ và đơn vị SDLĐ “thỏa thuận ngầm” chấm dứt HĐLĐ để hưởng BH thất nghiệp, trong khi thực tế NLĐ vẫn làm việc…

Chia sẻ về tình trạng trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, các hình thức trục lợi BHXH trong đó có BH thất nghiệp cũng rất đa dạng. Có thể là lao động phối hợp với doanh nghiệp khai khống hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, cũng có thể là doanh nghiệp trục lợi hoặc lao động trục lợi khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn đi làm. Hiện nay, qua rà soát tại địa phương, BHXH Việt Nam cũng đã thấy thực trạng này, nhưng kết quả rà soát số trường hợp hưởng sai chính sách bảo hiểm thất nghiệp lại chưa có sự đồng nhất.

Đẩy mạnh thanh tra

Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp theo phản ánh từ các địa phương là do việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay khá dễ. Khi người lao động có đủ các loại giấy tờ (quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ BHXH đã chốt kỳ tham gia; chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Thủ tục đăng ký hưởng BH thất nghiệp còn tương đối đơn giản. Đối với NLĐ nếu có đủ các loại giấy tờ (sổ BHXH, quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc, chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng BH thất nghiệp. Hiện cũng chưa có phần mềm liên thông giữa BHXH tỉnh và Trung tâm DVVL nên việc trao đổi thông tin và kiểm soát quá trình tham gia BH thất nghiệp của NLĐ còn hạn chế”, bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận cho biết.

Để hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi chính sách BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra. Trong đó để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Vụ Thanh tra Kiểm tra chỉ đạo BHXH các tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện quyết định của BHXH Việt Nam về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2020 (theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19).

Theo đó, trên cơ sở dữ liệu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ cho việc rà soát, phân tích, kiểm tra để có cảnh báo, đôn đốc, xử lý nếu có vi phạm; đồng thời, tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.

Trường hợp cần thiết chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để khởi tố theo quy định pháp luật. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế những hành vi vi phạm, trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên theo các chuyên gia để xử lý triệt để tình trạng lạm dụng chính sách cần siết chặt công tác quản lý trong đó phải quyết liệt áp dụng hiệu quả Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

Theo đó với những hành vi gian lận tiền BHTN sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù. Có như vậy mới đủ sức răn đe hạn chế hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường thanh tra xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO