Tăng cường trách nhiệm trong cơ quan chống tham nhũng

M.Loan - H.Vũ 05/11/2019 08:00

Cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực có liên quan, việc gì là đúng và phù hợp, vấn đề gì bị sơ hở và dễ bị lợi dụng. Đó là ý kiến của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 4/11 về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Tăng cường trách nhiệm trong cơ quan chống tham nhũng

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu tại Hội trường.

Vì sao đưa và nhận hối lộ vẫn khó chứng minh?

Nói về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá cao việc nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử trong thời gian vừa qua. Điều này, theo ĐB là đã đáp ứng được công cuộc đấu tranh PCTN và góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ lớn lên tới hàng triệu đô la để xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, cũng vẫn ĐB này cho rằng, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. ĐB đã dẫn ra vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng bọn trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Tuy nhiên, sau đó được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa được thực hiện.

Cũng nói về PCTN nhưng là PCTN trong chính lực lượng có chức năng PCTN, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy, tham nhũng trong các cơ quan chức năng PCTN, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua tuy không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng đây là vấn đề ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách PCTN, bảo vệ công lý. “Đây là vấn đề Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm nhưng tình hình không có chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm”- ĐB nói và đề nghị: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTN, vẫn phạm tội, nhất là nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan PCTN.

Cần đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Đề cập đến vụ 39 người thiệt mạng trong container tại hạt Essex (Anh), ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp) cho rằng, đây là vụ việc làm cả thế giới bàng hoàng. Theo ông Cường, trong vụ việc đau xót này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan của Anh để xử lý. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra đường dây đưa người đi nước ngoài lao động trái phép. Tuy vậy, dành phần lớn thời gian phát biểu để nhìn nhận nguyên nhân, ĐB Nguyễn Mạnh Cường đề nghị “cần đánh giá tình hình một cách nghiêm túc, rút ra bài học để tránh những thảm hoạ tương tự”. Cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc là hành vi tội phạm của bọn buôn bán người gây ra, nhưng từ vụ việc này ông Cường khẳng định có sự “hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước”.

Mỗi năm chúng ta đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, nhưng con số thực tế lớn hơn nhiều, điều này có nghĩa là số người đi lao động chui rất nhiều. “Trong khi đó, tội phạm mua bán người rất phức tạp, câu kết với nhiều chủ thể, hoạt động đa quốc gia, chúng dụ dỗ, lôi kéo các gia đình khó khăn, có nhu cầu đi lao động nước ngoài, đưa họ vào những rủi ro, nguy hiểm không thể lường trước”- ĐB Cường nêu thực trạng và nhấn mạnh: Hiện trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật còn rất hạn chế. Trách nhiệm này trước hết về chính quyền địa phương. Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chưa chặt chẽ. Công tác đấu tranh chống loại tội phạm buôn bán người, đưa người đi lao động “chui” còn chưa hiệu quả.

“Phòng ngừa phải là chính, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người”- ĐB Cường nhấn mạnh.

Trao đổi lại với ĐB Nguyễn Mạnh Cường về sự việc 39 người chết ở Anh, ĐB tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) khẳng định đây là một sự việc rất đau lòng, là một thảm họa nhân đạo gây chấn động dư luận quốc tế và trong nước. “Theo tôi, vụ việc này xảy ra tại Anh, cho nên kết luận về tội danh gì do nước Anh họ kết luận, còn ở pháp luật Việt Nam, thì hành vi này không phải là hành vi buôn người mà là hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự. Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và đến ngày hôm qua chúng tôi đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến đường dây này. Chúng tôi sẽ làm nghiêm và thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội”- ĐB Cầu cho biết.

Đề cập đến nhóm tội buôn người, ĐB thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư) cho rằng, không loại trừ có những băng nhóm tội phạm quốc tế có thể liên quan đến 39 nạn nhân trong vụ việc vừa qua; không loại trừ có những hành vi của những tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, có thể nhằm mục đích cung cấp những người này cho những nhóm buôn người theo đặt hàng từ trước. Vấn đề đặt ra, theo như ĐB Chiến, là nó đang đặt ra trách nhiệm của cơ quan công an thế nào? Trách nhiệm của cơ quan du lịch như thế nào? Đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi mà những nạn nhân này cư trú, tại sao họ ra nước ngoài mà không quản lý được? Vấn đề đặt ra là phải tăng cường phối hợp mạnh mẽ hơn đối với những cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an và là cơ quan du lịch, nếu đưa người ra nước ngoài thì phải quản lý để không còn những việc như đã xảy ra.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây thực trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều nơi ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân. Năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố được 355 vụ và 395 bị can, xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt 243 tỷ đồng, số xử lý hình sự chỉ chiếm 1,58% so với số vi phạm được phát hiện. Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước Sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội. Vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và một số hóa chất khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy. Tình trạng xả thải gây nguy hại môi trường vượt quy chuẩn cho phép tại nhiều khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn đang là vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Năm 2019 đã có gần 37.500 vụ phạm pháp hình sự được điều tra làm rõ, đạt tỷ lệ 78%. Tỷ lệ án rất nghiêm trọng được phá đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 96%. Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019 lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 1.000 vụ, 1.045 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em; tổ chức tiếp nhận, giải cứu 224 nạn nhân bị mua bán trở về; triệt phá 2.561 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Cùng thời gian này, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được trấn áp mạnh. Toàn quốc khởi tố 436 vụ, 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó khởi tố 214 vụ án, 497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự)…

Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, trong kỳ báo cáo, có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định tổng giá trị là 182 triệu đồng. Cùng với đó, đã phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường trách nhiệm trong cơ quan chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO