Tăng giờ làm thêm: Có nên cào bằng?

Lê Bảo 17/03/2022 13:00

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng trầm trọng. Bởi vậy, bản thân người lao động cũng có mong muốn làm thêm giờ, nhưng việc tăng giờ làm thêm cần cân nhắc kỹ.

Người sử dụng lao động cần quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Nới “giới hạn” ngành nghề

Mới đây, Chính phủ vừa có dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, đề xuất tăng số giờ làm thêm của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm cho mọi ngành nghề.

Nói về đề xuất tăng giờ làm thêm, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, trong năm 2021, đã có hàng triệu lao động mất việc làm. Cụ thể, trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người, khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người.

Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cũng đang gặp khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Cũng theo ông Dung, quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần có sự điều chỉnh ngắn hạn để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, tạo điều kiện để người lao động có việc.

Trước đề xuất về nới trần thời gian làm thêm, trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc là vấn đề rất quan trọng, là 1 trong 4 nội dung khi hoàn thiện Bộ Luật Lao động năm 2019 đã được các cấp, ngành quan tâm và lấy ý kiến.

“Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, thực tế bản thân người lao động cũng có mong muốn làm thêm giờ, nhưng việc tăng giờ làm cần cân nhắc kỹ. Tôi ủng hộ việc tăng từ mức 40 giờ/tháng, nhưng mức tăng tương đương cần vừa phải, ví dụ từ 40 giờ có thể lên thành 60 giờ sẽ phù hợp hơn. Bên cạnh đó cũng cần loại trừ một số đối tượng để bảo vệ họ” - ông Quảng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Quảng, hiện nay hầu hết các ngành nghề sản xuất có gia công như hàng dệt may, gia dày, xuất khẩu cần thiết đã cho giới hạn giờ làm thêm đến 300 giờ/năm. Do đó, đề xuất mở rộng cho mọi ngành nghề là không nên mà chỉ nên duy trì ở một số nhóm ngành đặc thù.

Cần đảm bảo sức khỏe người lao động

Ngày 15/3, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đã có kiến nghị liên quan tới việc điều chỉnh giờ làm thêm nhằm đảm bảo phục hồi sản xuất. Theo đó, hiệp hội này đề xuất tăng “trần” thời gian làm thêm trong năm tới 400 giờ thay vì 300 giờ như trước đây và không phụ thuộc vào các ngành sản xuất, bỏ quy định “trần” làm thêm trong tháng (quy định hiện tại là 40 giờ)… nhằm đáp ứng đơn hàng và đối ứng với tình trạng thiếu hụt lao động.

Theo hiệp hội, việc tăng thêm ít nhất 100 giờ so với luật hiện hành cũng chỉ tương đương với 0,5 tháng làm việc, vẫn chưa thể bù đắp được so với quãng thời gian DN và người lao động phải ngừng việc do Covid-19.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này chỉ nên áp dụng theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, nghĩa là việc làm thêm chỉ mang tính chất tạm thời, không nên thành tiền lệ. Đặc biệt, người sử dụng lao động cần quan tâm đảm bảo các điều kiện lao động, chăm lo cho người lao động để tránh các tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người lao động.

Thực tế trải qua thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh, hầu hết người lao động đều mong làm thêm để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, việc tăng thời gian làm lên 72 giờ/tháng đồng nghĩa với bình quân mỗi ngày, người lao động phải làm thêm gần 3 tiếng. Mức thời gian này là quá sức với nhiều người lao động, đặc biệt với lao động trong các lĩnh vực sản xuất, nặng nhọc và độc hại.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, làm thêm giờ là vấn đề thực tế đời sống, rất cần thiết cho cả DN và người lao động. Tuy nhiên, về bản chất, làm thêm giờ vẫn là kéo dài thời gian lao động, đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu cho phép kéo dài thời gian làm thêm quá mức.

Ông Lợi cho rằng, việc nới trần làm thêm giờ cần thực hiện trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý.

Đặc biệt, việc tăng giờ làm thêm chỉ nên áp dụng trong các ngành nghề, lĩnh vực có yêu cầu cấp thiết và trong thời gian nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng giờ làm thêm: Có nên cào bằng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO