Tăng học phí- chất lượng giáo dục có tăng?

Bảo Thoa 05/10/2017 10:00

Vấn đề học phí lâu nay luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh. Vừa rồi, việc một số trường phổ thông ngoài công lập tại Hà Nội bất ngờ tăng học phí đã khiến dư luận đặt vấn đề cần quy định mức trần học phí đối với những trường này. Cũng có luồng ý kiến khác cho rằng, nên chăng điều chỉnh mức học phí của các trường công lập cho tiệm cận sát hơn với thực tế để tránh lạm thu trong nhà trường.

Một lớp mầm non.

Tăng học phí, vẫn chưa hạn chế lạm thu

Bắt đầu từ năm học 2017- 2018, Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông…công lập theo tinh thần Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội khóa XV thông qua. Mức học phí tiếp tục được điều chỉnh hằng năm đến năm học 2020 – 2021 theo hướng tăng dần trong khung quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ đối với khu vực thành thị, nông thôn và 50% đối với khu vực miền núi.

Cụ thể năm học 2017-2018, mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập đối với vùng thành thị 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh so với năm học 2016 - 2017); vùng nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh); vùng miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh).

Tính ra mức tăng này tương đương khoảng 40%. UBND TP Hà Nội cho rằng mức tăng học phí này phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố; đồng thời khẳng định mức thu học phí năm 2017-2018 của Hà Nội thấp hơn mức thu bình quân của TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định.

Nhằm siết lạm thu đầu năm học 2017- 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã kịp thời có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cam kết không thu các khoản thu ngoài học phí. Cụ thể, với giáo dục mầm non, phổ thông, các cơ sở giáo dục cần cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học.

Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm. Về thời điểm thu học phí, các tỉnh, thành phố thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu, tránh thu cùng một thời điểm trên cùng một địa bàn để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng của địa phương.

Dẫu thế, trên thực tế, câu chuyện lạm thu đầu năm học ngay tại Hà Nội đã cho thấy, việc tăng học phí ở trường công chưa hẳn là giải pháp hạn chế lạm thu. Chỉ riêng những ý kiến trái chiều về việc giữ hay bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã cho thấy việc giải quyết triệt để nạn lạm thu trong nhà trường là không đơn giản.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường, nhiều hội phụ huynh vẫn còn nghe ngóng, chờ cho thời điểm “nóng” siết lạm thu qua đi; với mong muốn đây chỉ là một hình thức “giơ cao đánh khẽ”, để rồi việc thu quỹ lớp quỹ trường vẫn diễn ra như cũ.

Khó quy định mức học phí trần trường ngoài công lập

Những ngày gần đây, thông tin về một số trường phổ thông ngoài công lập tại Thủ đô tăng học phí, hoặc dự kiến tăng học phí từ năm học 2018-2019 được dư luận quan tâm. Song trên thực tế, học phí trường ngoài công lập, trường quốc tế cao là câu chuyện không hề mới.

Riêng với hệ thống trường phổ thông ngoài công lập, hiện mức chi phí trọn gói cho một học sinh cũng chia ở các mức khác nhau. Các trường “top” đầu dao động từ 7- 10 triệu đồng/tháng; trường “top” giữa khoảng 4,5- 6 triệu đồng/tháng; các trường “top” dưới có mức thu thấp hơn một chút…Có thể thấy, học phí giữa các trường ngoài công lập không thống nhất. Nguyên nhân của sự chênh lệch nằm ở chỗ không có quy định cụ thể về mức học phí cho trường ngoài công lập.

Thực tế, học phí trường ngoài công lập cao nhưng nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng chi tiền cho con em họ theo học. Điều đáng nói là việc tăng học phí của các trường tư có lộ trình hay không, có công khai minh bạch hay không.

Và điều đáng quan tâm với hệ thống giáo dục ngoài công lập đó là việc đánh giá chất lượng chương trình giáo dục so với mức học phí mà nhà trường thông báo. Bởi phụ huynh muốn biết chất lượng thực sự của trường có xứng đáng với mức chi trả mà các gia đình đã phải bỏ ra hay không.

Được biết hiện ngành giáo dục chưa có thang đo, bộ tiêu chuẩn nào hay tổ chức độc lập đánh giá chất lượng giáo dục của các trường phổ thông ngoài công lập một cách khách quan, minh bạch. Do đó, chất lượng giáo dục của các trường được hình thành từ những uy tín đào tạo tích lũy trong nhiều năm được xã hội, người dân đánh giá, thừa nhận. Hay nói cách khác, học phí trường ngoài công lập đang phụ thuộc vào thương hiệu của trường.

Vậy có được phép quy định mức học phí trần của các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập hay không, ông Nguyễn Văn Áng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho hay, theo các quy định hiện hành, việc quyết định mức học phí ở các trường ngoài công lập là thẩm quyền của các trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ yêu cầu các trường phải công khai, minh bạch cho phụ huynh và người học biết trước khóa học về mức học phí và theo lộ trình tăng hàng năm.

Cho dù góp ý vào Luật Giáo dục sửa đổi, có không ít ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định về mức trần học phí cho các trường ngoài công lập cũng như để cho các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương được giám sát việc thu chi học phí của các trường tư đóng trên địa bàn, nhưng theo ông Áng, nếu Nhà nước quy định mức trần học phí cho các trường ngoài công lập là đi ngược với quy luật thị trường và sẽ triệt tiêu động lực của chủ trương xã hội hóa giáo dục lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng học phí- chất lượng giáo dục có tăng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO