Tăng học phí: Giáo dục có tốt lên?

Phương Linh 16/08/2016 08:10

TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017 và mức thu học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập từ năm 2016-2017 đến năm học 2020-2021.

Ảnh minh họa.

Về điều này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: Tăng học phí là đem lại sự công bằng, bởi khi thu học phí cao lên sẽ phục vụ cho học sinh được tốt hơn và sẽ nâng cao được chất lượng. Tăng học phí không có ảnh hưởng gì, mà chỉ là làm cho giáo dục tốt lên.

Nghị quyết Quy định của TP Hà Nội đưa ra, mức thu học phí trong năm học mới đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng từ 25% (vùng miền núi) tới 33,3% (vùng nông thôn và thành thị).

Cụ thể, mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng thành thị sẽ tăng từ 60.000 đồng/tháng/học sinh lên 80.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng nông thôn sẽ tăng từ 30.000 đồng/tháng/học sinh lên 40.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng miền núi sẽ tăng từ 8.000 đồng/tháng/học sinh lên 10.000 đồng/tháng/học sinh.

Cũng theo Nghị quyết đã được UBND TP Hà Nội thông qua, mức học phí của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông của Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong các năm học tới. Trong đó, mức tăng học phí của các trường ở khu vực thành thị sẽ tăng cao nhất, từ 37,5% (năm học 2017-2018) lên 41,9% (năm học 2019-2020). Mức học phí vào năm học 2020-2021 sẽ là 300.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 275% so với năm học 2016-2017 này.

Đối với khu vực nông thôn, mức học phí vào năm học 2020-2021 là 120.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 200% so với năm học 2016-2017. Đối với khu vực miền núi, mức học phí vào năm 2020-2021 là 30.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 200% so với năm học 2016-2017.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như UBND thành phố đều khẳng định, mức tăng học phí này là phù hợp với khả năng chi trả của người dân Hà Nội so với thu nhập bình quân đầu người/ tháng.

Theo ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định: Hà Nội là một trong những thành phố có mức thu nhập đầu người cao so với cả nước, đứng thứ ba của cả nước sau TP HCM và Bình Dương.Do đó, TP Hà Nội sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư cho giáo dục”.

Với mức đóng học phí của năm học 2015 – 2016, ông Quang cho rằng chưa huy động được nguồn lực từ đóng góp của người dân cho giáo dục, nên cần thiết có lộ trình tăng dần học phí đến năm học 2020-2021.

Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến cho rằng, tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục, nhưng thời gian qua chất lượng chưa được cải thiện nhiều. Trao đổi vấn đề này với PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, ông khẳng định: Tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục, điều này là đúng. Người ta vẫn nói “tiền nào của đấy”, cho nên nếu chúng ta không có đủ tiền thì làm sao có của tốt? Giống như giáo viên bây giờ vừa dạy “chân trong”, lại vừa dạy “chân ngoài”. Chân trong thì ngắn, chân ngoài thì dài làm sao có chất lượng tốt.

Do vậy, khi tăng được học phí, thì số tiền đó cũng là để đảm bảo cho giáo viên đủ để yên tâm giảng dạy.

“Tất nhiên bên cạnh vấn đề tăng học phí phải có chế tài cấm dạy thêm học thêm. Và người thầy phải làm tròn nhiệm vụ của mình làm người thầy giáo dạy tốt, toàn tâm toàn ý cho học sinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng học phí: Giáo dục có tốt lên?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO