Tăng lực cho khu vực kinh tế tư nhân

Hương Nguyên (thực hiện) 04/10/2015 09:25

Trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết để tìm ra các giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Mai Xuân Hùng cho rằng: Cần “cởi trói” tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực này. Thực hiện giải pháp này vừa phát huy được nội lực, vừa có nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Mai Xuân Hùng.

PV: Tại Quốc hội các Kỳ họp gần đây, nhiều đại biểu QH lo ngại nền kinh tế đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngoại, doanh nghiệp ngoại. Quan điểm của ông về việc này ra sao?

Ông Mai Xuân Hùng: Tôi rất chia sẻ với những ý kiến này. Trước hết, phải thấy rằng, với việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng lên thì đây cũng là xu hướng tích cực. Khu vực FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhất là đóng góp kim ngạch xuất khẩu tới 65% - 67% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ riêng SamSung Việt Nam đã đóng góp xuất siêu 10 tỷ USD trong 2 năm: Năm 2013 xuất siêu 3,9 tỷ USD, năm 2014 xuất siêu 6,1 tỷ USD đã tăng nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, khu vực FDI dù được hưởng ngày càng nhiều ưu đãi do cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài nhưng tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng có phần hạn chế, hầu như không có nhiều đột biến mà chỉ quanh quẩn mức 18% GDP giai đoạn 2005-2013. Tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét.

Thêm vào đó, nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta. Đấy là điều đáng lo nghĩ.

Vậy Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi nguy cơ bị lệ thuộc, thưa ông?

- Cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta trải thảm đỏ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng đồng thời phải có được giải pháp cởi trói để khơi dậy tiềm năng từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo số liệu điều tra hàng năm về doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân của cả nước là khoảng gần 460 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 97,5% số doanh nghiệp cả nước, thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế chiếm bình quân 35,8% so GDP, tạo hơn 60% việc làm...

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí của mình, nhiều thương hiệu có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường trong, ngoài nước, giữ vai trò quan trọng giải quyết phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng khôi phục, tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và an sinh xã hội tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ...Vậy tại sao chúng ta không tập trung hơn nữa cho khu vực này phát triển hơn?

Nhưng cũng đã có khá nhiều chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ cho lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm qua, vì sao khu vực này chưa bứt phá?

- Giải pháp tuy có nhưng chưa đủ mạnh, tôi cho là như vậy. Thực tế là hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngân sách nhà nước khá ngặt nghèo nhưng vẫn có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước và sau đó là doanh nghiệp FDI, trong khi luôn hạn chế với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì thế, lực lượng này của chúng ta đã nhỏ lại càng nhỏ hơn.

Đừng nói rằng họ không chịu lớn, mà chỉ vì họ chưa được tạo nhiều điều kiện hơn để phát triển. Xét về qui mô, hầu hết doanh nghiệp khu vực tư nhân của chúng ta hiện nay có qui mô nhỏ và vừa (khoảng 99%) xếp theo các tiêu chí của Nghị định 56/NĐ-CP/2009; trong đó khoảng 67,7% là doanh nghiệp siêu nhỏ có không quá 10 lao động.

Số doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 28% và số doanh nghiệp vừa là 3,3%. Chỉ có 1% số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động là doanh nghiệp lớn với số lao động trên 250 tỷ và vốn điều lệ từ 100 tỷ trở lên. Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2007 đến nay, qui mô doanh nghiệp tư nhân được thành lập có xu hướng ngày càng nhỏ đi với sự tăng lên của doanh nghiệp siêu nhỏ, sự sụt giảm của các doanh nghiệp có qui mô lớn, vừa và nhỏ.

Vì vậy, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thực sự để doanh nghiệp khu vực tư nhân bứt phá. Đây mới là lực lượng tiềm năng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lực cho khu vực kinh tế tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO