Tăng sức cho động lực kinh tế

Hồ Hương 23/06/2017 09:00

Trước không gian mở hội nhập, doanh nghiệp tư nhân buộc phải tự thay đổi để lớn mạnh. Thay đổi sẽ đem lại cơ hội kinh doanh tốt hơn, niềm tin doanh nghiệp như thế cũng tăng lên.

Doanh nghiệp rất cần môi trường lành mạnh để phát triển.

Cần bộ chỉ số

Nếu không lỡ hẹn, vào cuối tháng 7 tới, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần 2 sẽ diễn ra. Và cùng với diễn đàn này, bộ chỉ số niềm tin doanh nhân là một trong các bộ chỉ số rất có uy tín trên thế giới, được OECD áp dụng điều tra, đánh giá nền kinh tế các quốc gia qua hàng năm cũng sẽ được công bố.

Bộ chỉ số này được dùng làm căn cứ cho các quyết sách đầu tư, kinh doanh cũng như cải biến chính sách, phát triển kinh tế từng nước.

Nhiều quốc gia cũng áp dụng bộ chỉ số này để đánh giá tình hình kinh tế trong nước, giữa ngành, lĩnh vực với nhau.

Nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa chính thức triển khai, mặc dù một số nội dung của bộ chỉ số này tương đồng với một vài nội dung trong một số bộ chỉ số khác như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công… (PAPI).

Bộ chỉ số cũng sẽ là kênh tham khảo giá trị cho các doanh nhân nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh trung và dài hạn, tạo ra tính bền vững và ổn định của nền kinh tế.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng tham khảo để quyết định chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển phù hợp với từng ngành, lĩnh vực kinh tế và hoạch định những chính sách thực sự hiệu quả trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Song, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Ông Nguyễn Bá Nho - Giám đốc Công ty Dược Sóc Sơn cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chịu tác động trực tiếp từ những cái nhỏ nhưng rất thiết thực như thuế, tài chính, công an.

Trong khi cơ quan quản lý cấp trên đã chủ động và quyết liệt đổi mới thì phía dưới chưa được như ý. Cho nên cần cải thiện hơn nữa môi trường thực tế.

Thay đổi để phát triển

Phải thừa nhận rằng quy mô của các doanh nghiệp tư nhân thường là vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên hoạt động thường rất hạn chế.

Đa phần doanh nghiệp tư nhân chưa có sự đầu tư xứng đáng cho việc đào tạo và tái đào tạo nên chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực kinh tế này thường không đồng đều, thấp và thiếu tầm nhìn.

Điều đó dẫn tới tính chủ động của các doanh nghiệp tư nhân không cao, nếu không muốn nói là thường bị động, trì trệ, dễ bị tổn thương và thường tụt hậu.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, gần đây, nhiều quyết định liên quan đến doanh nghiệp tư nhân đã có cải cách nhất định.

“Doanh nghiệp tư nhân được nhìn nhận, ứng xử công bằng hơn, dường như không còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp quốc doanh hay doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Số đợt thanh tra cũng được giới hạn, công bằng và sòng phẳng hơn. Doanh nghiệp có thể đối thoại với các cơ quan quản lý thay vì là đối tượng thanh tra, kiểm tra như trước đây. Mặc dù vậy, để có môi trường kinh doanh tốt hơn, chúng tôi vẫn chờ đợi những chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp”- ông Lê Vĩnh Sơn nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tới thời điểm này, hệ thống thể chế và pháp luật của Việt Nam còn chưa hoàn thiện và đầy đủ theo yêu cầu của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Mỗi năm, số lượng văn bản pháp luật tăng nhanh, việc lấy ý kiến công chúng tuy đã được cải thiện nhưng chưa thực sự thay đổi về chất.

Cơ quan đầu mối hay đơn vị kiểm soát chất lượng văn bản pháp luật còn thiếu và yếu về năng lực.

Doanh nghiệp cần các chính sách như: tạo thuận lợi cho hình thành doanh nghiệp; Tăng cường cơ sở hạ tầng về pháp lý; Tạo thuận lợi cho tiếp cận tài chính; Đảm bảo các cơ quan Chính phủ phối hợp tốt hơn trong quá trình hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Chính sách hỗ trợ xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi là vô cùng cần thiết

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức cho động lực kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO