Tăng tính hiệu quả của 'những con bò sữa ngân sách'

Mai Loan 08/06/2017 09:05

Theo như ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì, cần lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh để tập trung đầu tư có sức lan tỏa rộng, có sức kích hoạt sâu, dẫn đường cho các quan hệ kinh tế - xã hội phát triển.

Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. (Ảnh minh họa: I.T).

1. Hôm 5/5, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khai mạc tại Hà Nội với trọng tâm là bàn hướng đi cho phát triển kinh tế nước nhà. Với ba vấn đề kinh tế, vấn đề nào cũng nặng ký và liên quan trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng; liên quan đến sức khỏe của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp. Lớn thì đã hẳn vì sức khỏe của DNNN, nói không ngoa, liên quan đến an ninh kinh tế của đất nước; nhất là trong bối cảnh chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới được chẵn 30 năm nhưng sự đổi mới của DNNN xem ra vẫn chưa theo kịp với thời cuộc.

Còn khó và phức tạp là bởi vì đây là vấn đề lớn nên Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển doanh nghiệp nhà nước, và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh nghiệm đã có, thành tựu cũng nhiều; nhưng, theo như đánh giá mà Tổng Bí thư nói tại phiên khai mạc thì : “đến nay DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”

2. Điều mà Trung ương bàn bạc, thực ra đã được nhiều chuyên gia đề cập đến. ĐBQH TP Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc cho rằng: Chúng ta vẫn còn thiếu những thể chế để tạo môi trường, điều kiện giám sát và phản biện của Mặt trận, của đoàn thể, của xã hội đối với các định chế liên quan đến nền kinh tế. Nhưng tái cơ cấu thế nào mới đạt mục tiêu.

Đồng ý với quan điểm “tái cơ cấu gắn với mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng”, nhưng ĐB này vẫn lưu ý, người dân chúng ta rất cần việc tăng trưởng phải gắn với việc phát triển ổn định về mặt môi trường với một tầm nhìn dài hạn. Và quan trọng là “mục tiêu phải đặt ra rõ việc tái cơ cấu kinh tế để đưa nền kinh tế của nước ta tạo được thế chủ động, thế độc lập, thế tự do không phụ thuộc vào một nền kinh tế lớn khác”, ĐBQH Phạm Phú Quốc nói.

Quả đúng như thế, đổi mới hoạt động của DNNN sao cho hiệu quả gắn với việc tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu DNNN nói riêng mục tiêu tối thiểu nhất là phải đem lại chất lượng hiệu quả cho DN, cho người lao động để từ đó đem lại cuộc sống phồn thịnh, hạnh phúc cho người dân của chúng ta.

Vì thế, ông Phạm Phú Quốc đề xuất thêm một trụ cột vào 2 trụ cột có sẵn trong kế hoạch tái cơ cấu từ xưa đến nay. Đó là, đẩy mạnh quản lý nhà nước. Tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế. Và, cuối cùng, theo như đề xuất của ông Quốc là “cần xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực, nòng cốt trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế.”

Với DNNN, cần hoặc nên ứng xử thế nào trong giai đoạn hiện nay; khi mà Trung ương đã thấy rõ chuyện không ít DNNN làm ăn thua lỗ, nhiều dự án của khối DN này trong tình trạng “đắp chiếu”. Có lẽ, chả có cách nào khác ngoài việc sớm hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước về kinh tế và chức năng chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, có nhiều chính quyền địa phương có doanh nghiệp nhà nước, đây là nguồn ngân sách, cánh tay nối dài của ngân sách địa phương. Cũng vì lý do này mà chính ông Phạm Phú Quốc đề nghị “hình thành các doanh nghiệp tại địa phương có chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, có chức năng đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp để song hành cùng các tổ chức của Trung ương. Mục đích là vận hành và huy động các nguồn lực nhà nước phục vụ cho phát triển kinh tế”.

3. Ngay trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đặt vấn đề: Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Phải chăng nguyên nhân chủ yếu là do: Chưa xác định rõ ràng, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của DNNN; chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với DNNN trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích. Việc quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế. Thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát về đầu tư và tài chính đối với doanh nghiệp, nhất là về bảo lãnh vốn vay, định giá đất đai, tài sản hữu hình, vô hình còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, vấn đề cán bộ, chính sách tiền lương của doanh nghiệp chưa phù hợp với cơ chế thị trường; quyền hạn và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa đủ rõ. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực. Đó là chưa kể khái niệm và vai trò của DNNN trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; xây dựng mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN; đổi mới tổ chức và hoạt động của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn… đều là những vấn đề đáng quan tâm.

4. Trong bối cảnh mà khó khăn về đồng vốn là hiện hữu, Nhà nước đã quyết định mạnh dạn thoái vốn và tiến hành cổ phần hóa tại các DNNN. Nhưng đây cần là một tiến trình thực sự, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng và bảo toàn cao nhất đồng vốn của Nhà nước. Thay vì coi DNNN là con bò sữa của ngân sách cần mạnh dạn tìm đường đi mới cho đa số DNNN bằng cách tái cơ cấu, thoái vốn hay cổ phần hóa. Bởi, theo ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) các con bò sữa này sẽ cho sữa nhiều hơn do hoạt động thường hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn. “Thoái vốn sẽ giúp nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân; mà hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư.

Do đó, để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được một mặt chúng ta thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực là một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ”, ông Lê Quân nói.

Nhưng, thực tế cho thấy một vấn đề: Qua quá trình tái cơ cấu DNNN gắn với tiến trình cổ phần hóa đã có nhiều khe hở của pháp luật. Chính vì thế, một số người đã nắm được điểm yếu cốt tử này để tìm cách nắm giữ nhiều hơn cổ phần chi phối. Chính vì thế, nguồn tiền từ cổ phần hóa DNNN cũng rất cần được sử dụng đúng mục đích, đúng ý nghĩa là đầu tư phát triển. Mà muốn sử dụng đúng mục tiêu- mục đích, rõ ràng cần một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ công khai, đủ minh bạch để dù chỉ một đồng tiền của dân cũng không thể dễ dàng chui vào túi cá nhân theo kiểu tư lợi.

5. Vậy giải pháp là gì? Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Chính phủ đã cam kết trở thành Chính phủ liêm chính và hành động. Vì thế, Chính phủ đã chủ động khởi xướng chính sách để mở đường cho sự giải phóng mọi nguồn lực cho xã hội. Nhưng, theo như ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì, cần lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh để tập trung đầu tư có sức lan tỏa rộng, có sức kích hoạt sâu, dẫn đường cho các quan hệ kinh tế - xã hội phát triển.

Bên cạnh đó, vẫn ĐB Vân cho rằng, “Chính phủ phải ngăn chặn lợi ích nhóm. Lợi ích, chính sách cục bộ ngay từ khi khởi xướng và xây dựng chính sách. Cần dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Khích lệ và tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia hiến kế xây dựng đất nước. Và, quan trọng là, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, lấy lòng dân và thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tính hiệu quả của 'những con bò sữa ngân sách'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO