Tăng tốc cải cách

Thúy Hằng 03/11/2018 07:00

Sáng ngày 2/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19”. Tới thời điểm này, để cải thiện môi trường kinh doanh, hầu hết các bộ, ngành đều vào cuộc nhưng mức độ và kết quả khác nhau, không đồng đều. Và điều đó cần sớm được khắc phục.

Tăng tốc cải cách

Cải cách hơn nữa môi trường kinh doanh.

Bộ, ngành tham gia không đồng đều

Từ năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/ NQ-CP với mục tiêu chính cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam. Và trong 5 năm liên tiếp 2014-2018, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đều được đưa ra khá rõ ràng

Bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, năm 2014, năm đầu tiên thực hiện, hầu như chỉ có Bộ Tài chính (thuế và hải quan), Tập đoàn Điện lực và TPHCM thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết. Các năm kế tiếp, các bộ ngành tham gia chủ động hơn trong đó điển hình như Bộ Công thương với quyết định bãi bỏ Thông tư 37 kiểm tra hàm lượng thơm trong vải. Đến năm 2018, hầu hết các bộ đã vào cuộc nhưng mức độ và kết quả khác nhau. Các địa phương cũng đã quan tâm hơn tới việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, cấp huyện

Sau 5 năm, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều được cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.

Nhìn lại sau 5 năm, chỉ số khởi sự kinh doanh đã được cải thiện; cấp phép xây dựng duy trì thứ hạng tốt; tiếp cận điện năng liên tục tăng điểm, tăng bậc.

Tuy nhiên cũng theo đánh giá của bà Thảo, chỉ số về điều kiện sở hữu và sử dụng tài sản vẫn ở vị trí thấp; Chỉ số thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm điểm, xếp vị trí thứ 133, gần đứng cuối trong bảng xếp hạng của các quốc gia tham gia khảo sát; Chỉ số tín dụng, đầu tư và giao dịch thương mại qua biên giới ổn định.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam liên tục cải thiện được điểm số, nhất là trong các năm 2016-2017. Tuy nhiên, cải cách của Việt Nam là chưa đủ, chưa mạnh, chưa nhanh nên chưa kịp các nước. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách cần thực hiện nhanh hơn nữa.

Bà Trần Thị Hồng Minh- Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, mặc dù kết quả đạt được là đáng ghi nhận tuy nhiên vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh. Trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay

Hay Bộ Tài chính cần đảm bảo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành. Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày.

Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM, thực tế cho thấy, mặc dù Nghị quyết 19 đã được thực hiện 5 năm, nhưng từ năm thứ 4 (năm 2017) mới ghi nhận sự chuyển biến và năm thứ 5 (2018) mới có kết quả. Tuy vậy, trong bối cảnh các nước đều tăng tốc thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa.

Chú trọng liên thông điện tử

Ông Nguyễn Đình Cư- Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hội Tư vấn thuế, cần hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế; phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tăng tốc cải cách - 1

Thủ tục hành chính vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia tham gia hội thảo cũng cho rằng, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh. Việc liên thông điện tử này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường mà còn là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, dù có nhiều kết quả vẫn khá xa với mục tiêu đưa ra, song cũng đã tạo khác biệt tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến khoảng 30 bậc, thu hẹp khoảng cách so với trung bình ASEAN 4. Vẫn theo ông Cung, nếu cơ quan được giao phụ trách Chỉ số đó ý thức được cải cách, nếu Bộ trưởng quyết tâm thay đổi thì đạt được mục tiêu, còn nếu chần chừ, chưa quyết tâm thì kết quả chưa được như mong muốn.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi môi trường kinh doanh của WB (Doing Business 2019), năm 2018, vị trí của Việt Nam đã tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng mặc dù có điểm số cao hơn trước. Đáng chú ý, tổng điểm của Việt Nam đã tăng 66,77 điểm lên 68,36 điểm, nhưng so về thứ hạng Việt Nam bị giảm một bậc, đứng vị trí 69 trong tổng số 190 nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc cải cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO