Tăng tốc cuộc đua vaccine

Đức Trân 09/06/2021 08:07

Vaccine ngừa Covid-19 mang tên Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất sắp bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm trên người. Trước đó, qua 2 giai đoạn thử nghiệm, vaccine này cho hiệu quả diệt virus lên tới 90%. Tới nay Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia trên thế giới đạt kết quả tích cực nghiên cứu vaccine Covid-19.

Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2.

Nano Covax được Công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là công nghệ sản xuất vaccine ổn định đã có từ lâu. Đến nay vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021. Giai đoạn 2 cũng đã được triển khai tại 2 địa điểm là Học viện Quân Y và Trung tâm y tế Bến Lức- Long An.

Gần 1.200 người tình nguyện tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 đều an toàn

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, qua thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2, vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về an toàn và sinh kháng thể tốt, hiệu giá kháng thể từ khi bắt đầu tiêm và so sánh với 42 ngày sau khi tiêm mũi 1 cho thấy lượng kháng thể tăng gấp nhiều lần, người cao nhất tăng hơn 200 lần, trong khi nếu tăng 4 lần trở lên được coi là đạt.

Theo Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự, Học viện Quân y: Tất cả đối tượng nghiên cứu đều tăng số lượng kháng thể. Trên thế giới, loại vaccine Covid-19 có hiệu quả sinh kháng thể tốt nhất đạt khoảng trên 90%, nhưng cũng có loại chỉ đạt 60-70%. Vaccine của Việt Nam tỷ lệ sinh kháng thể đạt 100% khi thử nghiệm là điều đáng ghi nhận.

Đặc biệt hơn, trong số gần 1.200 người được tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, không có trường hợp nào bị sốc phản vệ phải cấp cứu hoặc phải điều trị bằng thuốc là bằng chứng cao nhất về sự an toàn.

Tham gia tiêm thử nghiệm vaccine đầu tiên do Việt Nam sản xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho biết: “Khi tiêm mũi 1 thì phản ứng rất nhẹ, không bị sốt, chỉ cảm thấy hơi vang váng đầu. Đến đợt 2, đúng như dự liệu, phản ứng ở mức cao hơn 1 chút, có sốt nhẹ trong hơn 1 ngày, cảm giác váng đầu cũng rõ hơn đợt 1 nhưng sau 2 ngày hoàn toàn hết và bình thường trở lại. Trước khi tiêm, các bác sĩ đều phổ biến đến tất cả mọi người là có thể sẽ có những phản ứng, thậm chí mọi người đều được lấy ven trước để đề phòng trường hợp nếu có sốc phản vệ thì cấp cứu được ngay nhưng tôi được biết không có ai có phản ứng nặng đến mức đó”.

13.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3

Thông tin từ Học viện Quân y, trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ thử nghiệm lâm sàng tại Học viện Quân y và Hưng Yên (phía Bắc); phía Nam có Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Long An.

Cũng theo Học viện Quân y, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia (Bộ Y tế) đã lựa chọn liều thấp nhất (25mcg) là liều tối ưu để tiêm cho các tình nguyện viên trong giai đoạn 3. Bởi chỉ số kháng thể trung hoà virus SARS-CoV-2 (được hiểu là khả năng tiêu diệt virus) sau 2 tuần tiêm mũi 2 ở nhóm liều 25 mcg cho kết quả cao nhất với trên 90%.

Trong giai đoạn 3 này còn nghiên cứu, đánh giá tác dụng của vaccine với biến thể của virus SARS-CoV-2 tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ. Đến cuối tháng 9/2021, sau khi việc thử nghiệm giai đoạn 3 hoàn tất, tùy thuộc vào kết quả thử nghiệm và diễn biến dịch, vaccine sẽ được xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp trên diện rộng tại nước ta.

Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, giai đoạn 3 của nghiên cứu sẽ được tiêm trên 13.000 người tại nhiều tỉnh thành, nhưng sau khi tiêm 1.000 người đầu tiên trong nhóm này và nhận đủ dữ liệu, vaccine đạt yêu cầu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ…khoảng tháng 9 năm nay nhà sản xuất sẽ gửi hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vaccine theo quy chế phê duyệt khẩn cấp trong tình trạng đại dịch.

GS.TS Đỗ Quyết cho hay: “Chúng tôi đang triển khai và hy vọng Bộ Y tế cùng với các cơ quan liên quan sẽ cho phép ngay trong tháng 6 triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Nano Covax, nếu thuận lợi khoảng đến tháng 9 này chúng ta sẽ báo cáo với Hội đồng Đạo đức quốc gia và Bộ Y tế xin cấp phép để có thể triển khai ngay”.

Ngoài Nano Covax, tại Việt Nam còn 3 nhà sản xuất vaccine khác bắt đầu phát triển vaccine phòng Covid-19 từ giữa năm 2020, và tới nay có 2 dự án đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người là dự án phát triển vaccine Nano Covax và Covivax.

Ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, trong cuối tuần này dự án Covivac sẽ đủ dữ liệu nghiên cứu giai đoạn 1 và chuyển sang giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người tại Vũ Thư, Thái Bình. Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới đây.

Đầu tư để sớm có vaccine Việt Nam

Như vậy, với những tín hiệu tích cực từ Nano Covax và Covivac, chúng ta có thể tin tưởng sẽ có vaccine Covid-19 của Việt Nam trong thời gian tới đồng thời có thể cung ứng được nhu cầu vaccine của người dân.

Công ty Nanogen - đơn vị nghiên cứu vaccine Nano Covax cho biết, dự án đầu tư mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu, dây chuyền sản xuất làm loạt lô vaccine ngừa Covid-19 của công ty đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng, nhân sự tập trung làm vaccine khoảng hơn 100 người. Công ty có khả năng sản xuất 120 triệu liều mỗi năm và đang đàm phán với các đối tác ở Hàn Quốc và Ấn Độ để sản xuất vaccine Nano Covax tại đó.

Còn đối với Covivac, nhà sản xuất cho hay, khi vaccine Covivac được cấp giấy phép lưu hành thì Ivac có khả năng sản xuất 1 - 1,5 triệu liều/tháng trong năm đầu tiên và mở rộng công suất đến 30 triệu liều/năm.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ưu điểm của vaccine do Việt Nam sản xuất là sự kế thừa các công nghệ đã biết, nên sản phẩm tạo ra có độ an toàn cao và cơ chế sinh miễn dịch tương đối rõ ràng. Ngoài ra, nếu chúng ta có được vaccine nội địa, sẽ đảm bảo vấn đề an ninh vaccine, không phải phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài hiện cũng đang hết sức khan hiếm. Vaccine do Việt Nam chủ động sản xuất cũng sẽ căn cứ theo những chủng có thể gây nguy cơ cho Việt Nam để từ đó chọn lựa phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc cuộc đua vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO