Tăng tốc xét nghiệm để chặn nguồn lây

Việt Hà 27/05/2021 08:27

Một số chùm ca bệnh mới tại Hà Nội vẫn chưa rõ nguồn lây, nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng rất cao. Hiện tất cả lực lượng của thành phố đang nỗ lực tối đa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng tăng tốc, đẩy nhanh việc lấy mẫu, xét nghiệm.

Nhân viên của CDC Hà Nội thực hiện xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, những ca nhiễm gần đây tại Hà Nội là chùm ca bệnh rất phức tạp, nhiều ca mắc liên quan tới các địa điểm là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và khu đô thị Times City - nơi đông người làm việc, sinh sống.

Còn Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho rằng, chùm ca bệnh này có thể có 2 đến 3 chu kỳ lây nhiễm và chưa xác định được nguồn lây nên có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là đẩy nhanh công tác truy vết, xét nghiệm. Những ngày qua, Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng thuộc CDC Hà Nội lúc nào cũng sáng đèn. Đội ngũ y tế tại đây liên tục tiếp nhận mẫu bệnh phẩm chuyển đến. Đặc biệt vào những ngày cao điểm, CDC Hà Nội tiếp nhận đến gần 10.000 mẫu/ngày. Trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, cảm giác đến thở cũng khó khăn, các nhân viên hầu như không có giờ nghỉ.

Về việc tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, để kịp thời truy vết, dập dịch, ông Tuấn cho biết, việc lấy mẫu xét nghiệm của các đơn vị rồi chuyển lên CDC nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như sự hợp tác của người dân, rồi nhiều điểm phải lấy mẫu cùng một lúc...nên tốc độ nhiều khi chưa đạt được như yêu cầu. Công việc của người làm công tác xét nghiệm đòi hỏi sự nhanh nhưng chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Vì vậy, mọi khâu đều phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.

“Hiện các lực lượng đều đang nỗ lực tối đa, nhanh nhất có thể để lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan đến ca bệnh mới phát hiện. Các quận nội thành còn đỡ, ở tuyến huyện việc vận chuyển khó khăn hơn vì có đơn vị chỉ có 1 chiếc xe vận chuyển mẫu, trong khi nguyên tắc vận chuyển mẫu bệnh phẩm phải bằng ôtô có đảm bảo an toàn sinh học”, ông Tuấn chia sẻ.

Do số lượng mẫu xét nghiệm nhiều, CDC Hà Nội đang ưu tiên làm các mẫu khẩn, có yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 trước, sau đó là các mẫu sàng lọc để kịp thời khoanh vùng dập dịch.

Về yêu cầu tăng tần suất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần thì liệu Hà Nội có đáp ứng được không? Ông Tuấn cho biết, khi tăng số lượng xét nghiệm, về nhân lực có thể huy động đủ từ các đơn vị, nhưng chúng tôi cũng lo ngại không đảm bảo an toàn sinh học vì phải có thời gian “khử nhiễm” để làm sạch phòng xét nghiệm. Ngoài ra, còn khó khăn về sinh phẩm và vật tư tiêu hao do khả năng cung cấp và cơ chế mua sắm.

Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình này, nếu như các bác sĩ, điều dưỡng là lực lượng trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân thì đội ngũ y tế dự phòng - những cán bộ, nhân viên y tế xét nghiệm lại thầm lặng hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống dịch. Hiện mỗi nhân viên y tế dự phòng phải làm việc gấp 2, 3 lần. Mỗi người một việc, từ lấy mẫu, xử lý mẫu, tách chiết, chạy máy…ai cũng mong sớm dập được dịch để trả lại cuộc sống bình thường cho người dân Thủ đô.

Những ngày qua đoàn công tác hỗ trợ y tế Hà Nội đã về huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), phối hợp với Trung tâm Y tế huyện nhanh chóng kiểm tra, đánh giá các điểm nguy cơ xảy ra dịch bệnh Covid-19; tham gia điều tra, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân liên quan các ca bệnh, xử lý môi trường tại nơi ghi nhận ca mắc và nghi ngờ mắc… Cộng dồn từ ngày 17/5, đoàn đã phối hợp lấy mẫu và chuyển về Hà Nội 16.421 mẫu. CDC Hà Nội đã thực hiện và trả lời kết quả 9.753 mẫu, trong đó có 27 mẫu dương tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc xét nghiệm để chặn nguồn lây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO