Tăng trưởng trong khó khăn

Nguyên Khánh 16/02/2020 07:30

Dịch viêm đường viêm phổi cấp (Covid-19) đã và đang tiếp tục tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Cả nước chung tay, đồng lòng phòng chống dịch. Quyết liệt phòng chống Covid-19 nhưng vẫn phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người dân; không để “virus trì trệ” lây lan. Hơn bao giờ hết, lúc này càng cần bình tĩnh nhận diện khó khăn để tìm giải pháp tháo gỡ, vượt lên.

Tăng trưởng trong khó khăn

Với nhiều giải pháp, ngành du lịch vẫn thu hút được khách quốc tế trong tình huống khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề

Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch kết thúc ở quý I/2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý II. Nếu dịch tiếp tục diễn biến sang quý II, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút. Và như thế, việc này sẽ tác động đến CPI năm 2020.

Đây là sự nhận diện thực tế tình hình rất cần thiết. Nhận diện để nhìn cho rõ, từ đó có giải pháp vượt qua.

Xuất nhập khẩu là lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Nếu theo kịch bản 1, thì xuất khẩu quý I ước đạt 46,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo kịch bản 2, thì xuất khẩu quý I đạt 51 tỷ USD và nhập khẩu đạt 53 tỷ USD. Dù là kịch bản nào thì xuất khẩu cũng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đối với du lịch, do thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỉ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% nên việc hạn chế, hủy các đường bay và tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng gây ra tác động.

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam mà còn làm cho du khách ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng e ngại. Theo kịch bản 1 thì lượng khách Trung Quốc trong quý I cũng vẫn là 644.000 lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800.000 lượt khách. Theo kịch bản 2 thì lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch. Và khách du lịch từ các quốc gia khác cũng có thể giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Trong khi đó, lĩnh vực vận tải cũng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với hàng không. Cụ thể, khi lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc được ban bố thì trung bình mỗi ngày có 80 chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch chịu ảnh hưởng từ dịch mà lĩnh vực công nghiệp cũng đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Sản xuất công nghiệp cũng bị tác động do ngành chế biến, chế tạo, những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, LG thông tin, nếu dịch Covid-19 không được ngăn trong vòng hai tuần tới sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020. Tương tự, Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

Đối sách giữ vững tăng trưởng kinh tế

Để thích nghi với điều kiện phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là về kinh tế, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần đặt ra mục tiêu “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Đây là yêu cầu mới đặt ra trong tình hình hiện nay. Yêu cầu này sẽ thử thách bản lĩnh, sự quyết tâm của các cấp các ngành để giữ cho được mục tiêu tăng trưởng.

Tăng trưởng trong khó khăn - 1

Nhiều cơ sở đẩy mạnh sản xuất, không thụ động trước dịch bệnh. Ảnh: Quang Vinh.

Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh Covid-19; có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng để phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời tìm kiếm thị trường mới, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp để yên tâm sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới, tận dụng nền tảng của năm 2019 để hoàn thành các mục tiêu năm 2020, đặc biệt là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Thực hiện chỉ đạo từ Thủ tướng, trên tinh thần đó, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác để chống sự suy giảm của kinh tế. Cụ thể, tình trạng ùn ứ hàng hóa, đặc biệt là nông sản tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai đã dần dần được tháo gỡ. Bộ NNPTNT đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục tìm kiếm những thị trường mới, hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để ứng phó với dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đang tính đến xây dựng gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ triển khai các gói hỗ trợ này đối với những ngành, nhóm đối tượng bị thiệt hại để kịp thời thúc đẩy sản xuất, giúp kinh tế tăng trưởng.

Lãnh đạo một số bộ ngành cũng cho rằng, trong năm nay, cần tăng cường đầu tư công và vốn ODA, nhất là vào hạ tầng, để bù lại sụt giảm của du lịch và hàng không. Hoặc cần coi đây là một cú hích để thực hiện các chính sách dài hơi mà trước nay chưa triển khai được, như cho phép sử dụng tài khoản điện thoại di động để chuyển tiền và thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ, hoặc thực hiện sớm tắt tín hiệu điện thoại di động 2G, để người dân chuyển sang dùng máy điện thoại thông minh, qua đó sẽ đóng góp vào tăng trưởng. Tổng sản phẩm trong nước 0,5%, hoặc tăng cường các giải pháp để chống thất thu thuế từ các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới như Google và Facebook. Còn đối với du lịch, Chính phủ cần miễn phí thị thực nhập cảnh từ 6-12 tháng cho khách đi tour trọn gói, miễn phí thị thực đơn phương cho một số nước và và mở rộng các nước được sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh vào Việt Nam...

Như vậy, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã không bị động, mà chủ động tìm giải pháp thúc đẩy, vượt khó. Tất nhiên, cuộc vượt khó nào cũng khó khăn, không dễ dàng gì. Và, cũng chính vì thế càng phải có quyết tâm hơn, phải mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn, thông minh hơn.

Tăng trưởng trong khó khăn - 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Thông tin chính xác nhất để giới đầu tư không bị hoang mang

Chính phủ cần theo dõi sự lây lan và phát triển của virus corona chủng mới chặt chẽ, từ đó đưa đến cho người dân những thông tin chính xác nhất, giới đầu tư thì yên tâm, không bị hoang mang. Về phía doanh nghiệp, với thị trường tiềm năng là Trung Quốc đang bị ảnh hưởng một cách nặng nề thì các doanh nghiệp Việt cần có những biện pháp để thay thế như xuất khẩu sang các nước khác, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để kích cầu tiêu dùng trong nước. Với lĩnh vực chứng khoán, các nhà đầu tư nên bình tĩnh để theo dõi tình hình và diễn biến của dịch bệnh, không nên quá vội vàng bán tháo cổ phiếu, đặc biệt, không nên “té nước theo mưa”, hùa theo bầy đàn để bán tháo mà không có cơ sở. Cùng với đó, theo dõi sát tình hình thị trường, nếu nhà đầu tư nào cẩn thận thì có thể chuyển dịch từ cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tài chính mang tính rủi ro sang công cụ tài chính mang tính an toàn hơn.

Chẳng hạn như chuyển sang cổ phiếu của các công ty mạnh hay mua trái phiếu Chính phủ để bảo đảm sự an toàn cho tài sản của mình. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông những nguồn lực để có dư địa tăng trưởng thật tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng trong khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO