Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Quốc Định – Quang Minh 08/06/2017 08:15

Chính sách cạnh tranh quy định rõ các doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, nhất là giữa DN nhà nước và DN tư nhân, không dành ưu tiên, ưu đãi cho bất kỳ đối tượng nào. Đây là điều mà dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, cần hướng đến nhằm chống độc quyền.

Các doanh nghiệp mong muốn có một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Còn nhiều băn khoăn

Hồi tháng 2 năm 2017, Bộ Công thương đã đưa ra dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi đề xuất danh mục 20 ngành nghề lĩnh vực thực hiện độc quyền nhà nước trong dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lên tiếng rằng, danh mục này chưa thuyết phục, chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005.

Từ chuyện này, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ, nếu Bộ Công thương vẫn còn tư duy độc quyền thì làm sao có thể chuyển sang cơ chế thị trường để cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Và, với tư duy này thì mầm mống phát sinh “sân sau” của lợi ích nhóm, cải cách môi trường kinh doanh sẽ nửa vời và khó để Việt Nam bứt phá thành nền kinh tế lớn khi hạn chế sự đóng góp năng động, sáng tạo có hiệu quả của khu vực tư nhân.

Gần đây, dư luận cũng bày tỏ sự bức xúc rất nhiều trước tình trạng “độc quyền” các dự án BOT. Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông được Kiểm toán Nhà nước báo cáo hồi tháng 2 - 2017 đã cho thấy có đến 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có hai nhà đầu tư thì một nhà đầu tư bỏ cuộc.

Điều đáng nói, nhiều dự án BOT giao thông hiện đang có nguồn thu béo bở khi mà trên nhiều tuyến quốc lộ trong cả nước, mật độ các trạm thu phí BOT được xây dựng dày đặc nhằm mục đích tận thu với phí cao ngất ngưởng khiến người dân và DN khóc ròng.

Vụ việc “lùm xùm” người dân và DN phản đối trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2 ở Nghệ An (do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) quản lý, khai thác để hoàn vốn cho các dự án BOT) hồi đầu tháng 4 vừa qua đã cho thấy còn những bất cập trong các dự án BOT hiện nay cũng như chuyện phát sinh độc quyền.

Trở lại dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi (theo dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018), giới chuyên gia khuyến nghị cần hướng đến mục tiêu chống độc quyền.

Hạn chế độc quyền

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tiến Lập, cần lưu ý ngoài việc ngăn cấm các hành vi độc quyền hóa (tập trung kinh tế) một cách cố ý và chủ động nhằm hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh, phải kiểm soát chặt chẽ cả các DN trở thành độc quyền một cách tự nhiên do điều kiện khách quan hoặc các yếu tố ngẫu nhiên.

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra trường hợp điển hình như các quy định về các dịch vụ mạng lưới hạ tầng quan trọng như điện và vận tải tiếp tục cản trở sự cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Có nhiều ví dụ chứng minh điều này. Vị trí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tư cách là người mua điện duy nhất ở cấp bán buôn, kết hợp với quy định về giá đã gây nên môi trường không thuận lợi đối với khu vực tư nhân.

Hoặc như tại các sân bay từng cho thấy chính sách phân bổ quyền được bay cũng không mang tính cạnh tranh. Vietnam Airlines thuộc sở hữu nhà nước có quyền vô hạn trên các tuyến bay quốc tế, trong khi quyền của các hãng bay thuê trên các tuyến nội địa chỉ được cấp trên cơ sở từng trường hợp.

Giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có một khuôn khổ chính sách cạnh tranh toàn diện nhằm mở cửa thị trường cho DN gia nhập, cạnh tranh và tăng cường hiệu lực thực thi chính sách cạnh tranh.

Hơn nữa, cần tăng cường và giao quyền tự chủ lớn hơn cho Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam (VCA). Bởi lẽ, VCA thiếu tính độc lập trong hoạt động, dẫn đến tổn thất đáng kể về năng suất của nền kinh tế.

Cục chỉ là một đơn vị trực thuộc Bộ Công thương và bao gồm các đại diện của bộ, chứ không phải các chuyên gia độc lập được lựa chọn theo các tiêu chí kỹ thuật.

Ngoài chuyện chống độc quyền, thì như lưu ý của luật sư Lê Quang Vy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Long Thăng (VLT Lawyers), do Luật Cạnh tranh chưa được phổ biến sâu rộng và thiết thực đến các DN như Luật Doanh nghiệp, các Luật Thuế... nên tỷ lệ các DN không biết, không quan tâm đến Luật Cạnh tranh, các DN cũng chưa quan tâm đến việc dùng Luật Cạnh tranh để tự bảo vệ mình.

Rõ ràng, chính sự hạn chế hiểu biết Luật Cạnh tranh của DN ở khu vực tư nhân cũng góp phần làm cho cuộc chiến chống độc quyền trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO