Tạo sức ‘đề kháng’ cho văn học

Hoàng Minh (ghi) 30/09/2016 10:51

Sáng 2/9, chia sẻ tại tọa đàm văn xuôi trong khuôn khổ Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc, tác giả trẻ Nguyễn Nhật Huy cho rằng: Nhìn một cách lâu dài hơn thì có lẽ tự thân văn học Việt Nam phải tạo ra sức đề kháng để có thể tồn tại. Sức đề kháng này có lẽ nằm chính ở mảng văn học giải trí.

Văn học Việt Nam cần tạo ra sức đề kháng để có thể tồn tại trước “cơn bão” ngôn tình.

Bất công kèm bất cập

Trong những năm gần đây, thị trường sách nước ta bị tấn công “ồ ạt” bởi văn chương ngôn tình. Lứa tuổi “tiêu thụ” loại sách này lại chủ yếu là thanh thiếu niên.

Có thể thấy thị trường sách giải trí đang thiếu trầm trọng các cây bút đáp ứng nhu cầu giải trí cho lứa tuổi này và tất yếu họ hướng tới ngôn tình. Theo nhà phê bình Văn Giá (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội): “Sách ngôn tình thực chất không có tội, đó là dòng tiểu thuyết lãng mạn, hài hước, mang tính giải trí cao, hướng tới số đông. Ngôn ngữ của tiểu thuyết ngôn tình rất phù hợp với điện ảnh cho nên rất nhiều phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình và rất thành công.

Cũng có rất nhiều tác giả của dòng ngôn tình là những trí thức trẻ, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng nhất thế giới, thông thạo đông tây kim cổ, trí tưởng tượng phong phú và họ đã sáng tạo ra những câu chuyện tình tuyệt vời, không phải bỗng dưng mà ngôn tình có được đời sống mạnh mẽ.

Nhưng tiểu thuyết ngôn tình không có khả năng đại diện cho bất cứ một nền văn học nào. Cho nên, nếu công chúng chỉ biết tới nó như một giá trị duy nhất thì sẽ là mối nguy lớn làm suy kiệt đời sống thẩm mỹ và tinh thần của xã hội”.

Có một thực tế, nhiều người vẫn mang nặng tâm lí coi văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi. Chúng ta có rất ít công trình nghiên cứu hay hội thảo, trại sáng tác đáp ứng cho sự phát triển của mảng văn học này. Giáo trình giảng dạy ở các trường đại học ngành văn cũng chỉ nói về chức năng giải trí một cách hời hợt.

Trong khi đó, ở Nhật Bản hay Trung Quốc, họ có một nền công nghiệp khổng lồ từ khảo sát thị trường, sáng tác, phát hành… để đáp ứng nhu cầu hết sức chính đáng đó.

Thông qua các loại truyện giải trí, có thể nói một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc… đều thành công với việc truyền bá văn hóa của họ ra nước ngoài. Và Việt Nam trước các làn sóng ồ ạt ấy chỉ miễn cưỡng có một vài nhà văn có thể trụ được với thị trường sách. Thực tế, nước ta cũng đã có một số cây bút “ôm mộng” tấn công vào mảng văn học này, trước đây có các tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam và hiện nay trên các trang mạng, chúng ta có thể thấy xuất hiện các truyện ma, ngôn tình, trinh thám Việt… Tuy vậy, trong thị trường sách như hiện nay, các tác giả đó khó có thể cạnh tranh được với Tây Tầu để rồi phải “gác bút”.

Thay đổi để hoàn thiện

Đối diện với nguy cơ xâm lấn văn hóa, đánh mất thị trường sách hiện nay, có lẽ văn học Việt trước hết cần thay đổi cái nhìn với dòng nghệ thuật này. Văn chương cũng như món ăn. Bên cạnh dòng văn chương bác học, người đọc cũng rất cần được đáp ứng nhu cầu giải trí chính đáng. Và chính trong lĩnh vực giải trí, chúng ta có điều kiện và cơ hội tạo nên “kháng thể” cho văn học nước nhà.

Bên cạnh việc cảnh tỉnh tư duy, xã hội cũng cần khuyến khích các tác giả có khả năng đi sâu vào lĩnh vực này. Nếu vẫn giữ một cái nhìn cũ và không có cơ chế thỏa đáng thì có lẽ văn học Việt Nam khó có thể cạnh tranh với ngôn tình hay kiếm hiệp của Trung Quốc, manga Nhật Bản… Ngay cả khi cấm xuất bản các thể loại này, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người đọc cũng có thể dễ dàng tìm được nguồn khác.

Có thể nhiều người cho rằng, người Việt Nam hạn chế về trí tưởng tượng nên dòng văn học giải trí không thể phát triển được dẫn đến tình trạng thiếu hụt sách phải sử dụng sách dịch. Điều này cũng có thể đúng nhưng quan trọng hơn là cái thành kiến quá nặng nề của chúng ta với nó. Chúng ta thường cho rằng, văn học giải trí gắn liền với bạo lực và sexy, nhưng có lẽ đó là cách nhận định của những người chưa thực sự đọc thử một lần loại sách này hoặc là đọc với thành kiến.

Bên cạnh nhiều cuốn sách không hay thì vẫn có những tác phẩm thỏa mãn không những giải trí mà còn chạm được vào những cung bậc cảm xúc của người đọc. Và với một thị trường sách mang tính cạnh tranh như hiện nay, để tồn tại trước sự nhập khẩu văn học, đã đến lúc chúng ta cần tự tạo nên sức mạnh từ chính văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, ở những người trẻ tuổi, họ chính là nhân tố giầu sức sáng tạo. Chỉ bản thân họ mới có thể viết nên những gì họ thực sự khao khát bằng một tâm trí mở.

Có lẽ đã đến lúc để văn học Việt Nam tháo bỏ cái nhìn một chiều để mở cửa cho dòng văn học giải trí có thể phát triển mạnh mẽ. Tự thân nó sẽ tạo ra sức mạnh để chống lại nguy cơ xâm lấn văn hóa. Đồng thời đây cũng là một đáp ứng hết sức nhân văn cho con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức ‘đề kháng’ cho văn học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO