Tạo thêm sức hút cho du lịch Thủ đô

Phạm Sỹ 23/12/2022 07:32

Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, giá trị đặc biệt và được kết hợp, tổ chức thành các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của du lịch Thủ đô với hàng trăm điểm đến hấp dẫn. Mặc dù vậy, nhiều điểm du lịch trên địa bàn thành phố vẫn chưa tạo được sức hút, hấp dẫn đối với du khách.

Khách du lịch quốc tế thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng tính hấp dẫn cho các điểm đến

Kể từ khi mở cửa, hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội đã trở lại mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan, khách du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng rõ nét.

Hà Nội có hơn 130 khu, điểm du lịch, trong đó 28 khu, điểm đã được công nhận là khu, điểm du lịch cấp thành phố. Bên cạnh đó là số lượng lớn các điểm đến, các cơ sở dịch vụ chất lượng tốt.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, để thúc đẩy quá trình hồi phục và phát triển ngành du lịch Thủ đô, công tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhóm giải pháp then chốt giúp thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới. Đánh giá của Sở Du lịch, phần lớn các điểm đến, các cơ sở dịch vụ trên địa bàn có chất lượng tốt phục vụ du khách. Nhiều đơn vị đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác các thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng...

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khu, điểm du lịch đang loay hoay trong việc thu hút khách du lịch. Nguyên nhân là bởi, du lịch Thủ đô còn thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu cơ chế cho các đơn vị khai thác. Chỉ rõ hơn, đại diện Hội Lữ hành Hà Nội cho hay, việc khai thác còn rời rạc, chỉ vài điểm truyền thống tại một số quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa) chú trọng đầu tư và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, còn lại các điểm đến khác vẫn chưa có sự đầu tư bài bản.

Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Lí Học.

Xây dựng các trục du lịch chính

Doanh nghiệp du lịch được xác định là vai trò then chốt trong việc phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói sau đại dịch, bởi đây chính là lực lượng nòng cốt đóng góp vào hoạt động du lịch của Hà Nội.

Để phát triển một cách đồng bộ du lịch Thủ đô, tạo sức hút mạnh mẽ hơn, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội. Theo đó, xây dựng 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Từ trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; tuyến nội thành - Mỹ Đức (chùa Hương)… Thông qua hoạt động này đơn vị lữ hành có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch học đường, nghỉ dưỡng, cộng đồng.

Cũng theo ông Thắng, điểm đến cần có sự liên kết với đơn vị lữ hành để có thể tạo nên những sản phẩm du lịch khác nhau, các đơn vị cần sử dụng các dịch vụ mới, áp dụng công nghệ 4.0 như sử dụng vé điện tử để doanh nghiệp dễ xây dựng tour.

Đưa ra giải pháp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết, Sở đang tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Chú trọng đầu tư quảng bá giới thiệu, xây dựng các sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội, tạo ra những tour sản phẩm mới “kể” những câu chuyện để du khách dễ dàng “cảm” nhận được những nét văn hóa của Thủ đô...

Theo Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo, để tăng thêm lượng khách quốc tế trong thời gian tới, việc xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng. Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn, như tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm… Trong đó, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao.

Thành cổ Sơn Tây.

Nhìn lại năm du lịch 2022, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết cùng với việc đa dạng loại hình, Hà Nội cũng đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo. Riêng với các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm thì vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, như dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, mua sắm, chưa có sản phẩm đặc sắc, các dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu… Việc này sẽ được tập trung giải quyết trong năm 2023.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội. Theo đó, xây dựng 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Từ trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; tuyến nội thành - Mỹ Đức (chùa Hương)…

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế), cùng tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP của thành phố đạt trên 8%. Từng bước phấn đấu đưa Hà Nội vào nhóm thành phố có ngành du lịch chuyên nghiệp, phát triển có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo thêm sức hút cho du lịch Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO