Tập trung bảo vệ quyền lợi người lao động

Tuệ Phương (thực hiện) 01/05/2019 09:08

Lợi ích của doanh nghiệp và người lao động có sự tương đồng, nhưng cũng có những mâu thuẫn, nhất là về vấn đề kinh tế như lương, thưởng, các chế độ phúc lợi xã hội. Bởi vậy, hoạt động công đoàn đòi hỏi phải luôn có những đổi mới, cán bộ công đoàn tích cực gắn bó với đời sống người lao động.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, trong đó chú trọng đến lao động yếu thế, lao động giản đơn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đó là ý kiến của ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với báo Đại Đoàn Kết.

Tập trung bảo vệ quyền lợi người lao động

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

PV:Thưa ông, Tháng Công nhân đã trở thành ngày hội lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống công nhân lao động (CNLĐ) cả nước. Xin ông cho biết tổ chức Công đoàn đã chăm lo cho CNLĐ như thế nào trong thời gian qua?

Ông Bùi Văn Cường: Là một sáng tạo trong hoạt động Công đoàn, năm 2011, lần đầu tiên Tháng Công nhân được tổ chức ở cấp Tổng Liên đoàn vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Năm 2012, Ban Bí thư có Thông báo số 77-TB/TW chính thức lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Tháng Công nhân là tháng để phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển địa phương, đơn vị và doanh nghiệp. Đồng thời, là Tháng để toàn xã hội, trong đó nòng cốt là tổ chức Công đoàn, chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng công nhân lao động.

Từ Tháng Công nhân, nhiều hoạt động mới được triển khai sâu rộng trong hệ thống công đoàn, trong đó có nhiều mô hình chăm lo cho người lao động tại doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã thực sự phát huy hiệu quả, như “Bông hồng sáng kiến”, “Nhà ăn ca tự chọn”, “Vườn rau an toàn”...

Đây là nguồn động viên rất lớn cho đoàn viên, người lao động, thực sự đem đến cho họ sự phấn khởi trong lao động sản xuất và giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn.

Cùng với đó, trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn tăng cường tổ chức đối thoại, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Lãnh đạo nhiều địa phương đã đối thoại chính sách với công nhân lao động. Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ CNLĐ tại các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước. Nhiều hoạt động tôn vinh người lao động được tổ chức như biểu dương CNLĐ giỏi, xuất sắc; trưng bày sản phẩm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam”. Nhiều doanh nghiệp tổ chức các hoạt động các hoạt động tri ân người lao động- “Cảm ơn thành viên”....

Một trong những yêu cầu quan trọng của Tháng Công nhân hàng năm là các hoạt động phải hướng tới để đoàn viên, người lao động có “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”. Bên cạnh đó, phải tạo được sự khác biệt về lợi ích giữa CNLĐ là đoàn viên và chưa là đoàn viên công đoàn. Với phương châm này, năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bắt đầu triển khai ký kết với đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp để mang lại những sản phẩm, dịch vụ có giá ưu đãi đến với đoàn viên, người lao động. Đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký kết với 20 đối tác, các cấp Công đoàn cũng đã chủ động đàm phán, ký kết hơn 1.200 bản thỏa thuận với các doanh nghiệp, giúp gần 3 triệu lượt đoàn viên, CNLĐ được thụ hưởng lợi ích với trị giá hơn 1.140 tỷ đồng.

Tính riêng trong năm 2017-2018, đã có 4.821 nhà Mái ấm Công đoàn, với tổng trị giá 155,8 tỷ đồng được trao cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; 7,7 triệu lượt CNLĐ được hỗ trợ với trị giá hơn 4,8 nghìn tỷ đồng... Song song đó, đẩy mạnh xây dựng các thiết chế công đoàn để phục vụ công nhân lao động.

Năm 2019 là kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sự chỉ đạo như thế nào tới các cấp Công đoàn để Tháng Công nhân 2019 thực sự là ngày hội của công nhân lao động?

- Để Tháng Công nhân 2019 thực sự là ngày hội của công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động tham mưu để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động cùng vào cuộc, huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho CNLĐ.

Điểm mới của Tháng Công nhân năm nay là Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung tổ chức các hoạt động trong ngày 11/5/2019 tạo cao điểm hoạt động của Tháng Công nhân 2019 và yêu cầu mỗi ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động lựa chọn tổ chức một hoạt động thiết thực nhằm thực hiện đúng mục tiêu “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”.

Tổng Liên đoàn chỉ đạo và khuyến khích các Công đoàn cơ sở triển khai những mô hình mới, những cách làm sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho CNVCNLĐ. Những quyền lợi “sát sườn” của đoàn viên, người lao động sẽ được chăm lo cụ thể để đoàn viên, người lao động thấy rõ, những lợi ích mà tổ chức Công đoàn đem lại cho họ không chỉ là những chính sách vĩ mô mà còn trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; không chỉ là chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần mà còn là quyền lợi chính trị của mỗi đoàn viên.

Trong Tháng Công nhân năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân kỹ thuật bậc cao của 16 ngành tại TP. Hồ Chí Minh. Xin ông chia sẻ thêm về hoạt động này?

- Từ năm 2016, Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động đã trở thành hoạt động thường niên với sự tham mưu của tổ chức Công đoàn. Tại đây, Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao đời sống, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Có thể nói, qua Chương trình, đã góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của người lao động về một Chính phủ “kiến tạo” và hình ảnh Thủ tướng “gần dân”, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để CNLĐ phấn khởi, hăng say lao động sản xuất.

Năm 2019, Chương trình Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động có chủ đề: “Công nhân, lao động kỹ thuật cao trong kỷ nguyên 4.0”, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 05/5. Đây là dịp để Thủ tướng lắng nghe công nhân kỹ thuật cao đề xuất chính sách, cũng là dịp để người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành gặp gỡ lực lượng quan trọng tạo động lực phát triển đất nước, làm lan tỏa để có thật nhiều công nhân kỹ thuật cao trong kỷ nguyên số. Đại biểu công nhân lao động của 16 ngành nghề cơ bản sẽ cùng trao đổi với người đứng đầu Chính phủ về những thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách phát huy vai trò của đội ngũ công nhân, người lao động kỹ thuật cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thưa ông, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính thức đặt ra vấn đề về CNLĐ kỹ thuật cao. Thách thức này đòi hỏi tổ chức CĐ tìm giải pháp để công nhân lao động vượt qua thách thức. Công đoàn Việt Nam đã có kế hoạch gì để đồng hành cùng người lao động vượt qua thách thức này?

- Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn. Các kỹ năng truyền thống của công nhân lao động từng có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước, nay dần bị người máy thay thế. Nhóm lao động bị ảnh hưởng mạnh nhất là lao động trình độ thấp, lao động giản đơn, ít kỹ năng. Thậm chí một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nhân trình độ cao cũng có nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo, robot người máy sẽ dần thay thế. Đây cũng là những vấn đề đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có những chiến lược mới trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đồng hành với người lao động vượt qua những khó khăn, thách thức này, Công đoàn Việt Nam đang đổi mới tổ chức, hoạt động, lấy quyền lợi của người lao động là mục tiêu trung tâm. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy chế nội bộ trong hệ thống Công đoàn Việt Nam; cải cách hành chính trong đó tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tự động hóa trong công tác quản lý, điều hành từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước để có các cơ chế chính sách cho người lao động. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung bảo vệ quyền lợi người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO