Tập trung cho những ‘quả đấm thép’

H.Vũ 25/07/2021 07:40

Ngày 24/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua trong đầu tư công trung hạn vẫn còn tình trạng dàn trải, manh mún.

“Ghé chân” để được xin cho

Theo đánh giá của ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, thời gian qua trong đầu tư công trung hạn vẫn còn tình trạng dàn trải, manh mún, còn cơ chế “ghé vào xin cho”. Đáng chú ý, việc đầu tư không trọng tâm, trọng điểm, có quá nhiều công trình nên đầu tư còn manh mún dàn trải. Cho nên cần đầu tư cho các công trình trọng điểm, tạo sức lan tỏa.

Đưa ra dẫn chứng tại Nghệ An chủ yếu đầu tư vào các cảng, sân bay, đường kết nối và bệnh viện ung bướu, 6 dự án tốn 50% vốn của cả giai đoạn, ông Quý đề nghị cần giảm bớt các công trình đầu tư để tập trung cho các công trình trọng điểm để tạo sức bật để phát triển cho kinh tế xã hội. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bố trí sắp xếp vốn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu những công trình đến hết tháng 7 mà không giải trình được nên cắt giảm để chuyển cho công trình khác.

Chỉ rõ hiện nay đang vướng Luật Đầu tư công trong phân cấp thẩm quyền, vì vốn của Trung ương giao cho Chủ tịch tỉnh, còn vốn của địa phương giao cho HĐND tỉnh. Cho nên có việc bị động vì HĐND 1 năm họp 5 kỳ, không họp thường xuyên trong khi giải ngân thường rơi vào tháng 7 trở đi, ông Quý kiến nghị sửa Luật Đầu tư công trong đó nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh để linh hoạt hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn cho rằng, khi chưa có Luật Đầu tư công thì vi phạm trong đầu tư công diễn ra nhiều. Từ khi có luật, tình trạng này có giảm nhưng lại tạo ra nhiều nghẽn tắc, cản trở sự phát triển, thậm chí mất đi cơ hội.

Theo ông Môn, nhiều dự án đầu tư công nên trong phân bổ nhỏ lẻ, ít đem lại quả, nên tốc độ tăng trưởng và sức lan tỏa chỉ ở mức độ. Vì thế nhiều địa phương phải “thắt lưng buộc bụng” đầu tư cho phát triển để nuôi dưỡng nguồn thu nhưng do manh mún nên phát huy hiệu quả thấp. Cơ chế xin cho vẫn còn chậm phân bổ, chậm giải ngân, đặc biệt vẫn tranh cãi nhau chuyện “con gà quả trứng”.

Theo đó Luật Đầu tư công không cho phép có vốn thì triển khai dự án, mà phải lập dự án. Tuy nhiên không có tiền thì lấy đâu mà lập? Lập dự án xong không khả thi, về lập đi lập lại nên xếp hàng chờ điều chỉnh. Đó cũng là nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát. “Cho nên bây giờ cần tăng vốn đầu tư, tập trung vào “quả đấm thép” là các công trình trọng điểm để tạo sức bật, có sức lan tỏa phát triển kinh tế xã hội, khắc phục tình trạng công trình manh mún, nhỏ lẻ”- ông Môn cho hay.

Kéo dài thời gian giải ngân vốn của năm 2021

Theo ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, những công trình trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội dứt khoát phải đủ hồ sơ. Còn có chủ trương nhưng chưa đủ hồ sơ gồm 2 loại. Theo đó, một loại có thể đáp ứng đủ công trình trọng điểm quốc gia thì Chính phủ vẫn phải trình do luật quy định, trong vận hành tối kỵ dự án không được cắt nhỏ, chia khúc để làm giảm mức độ quản lý của các cấp. Còn loại có chủ trương nhưng chưa đủ hồ sơ thì Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan được giao vốn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Như thế sẽ tổ chức triển khai được.

“Lo lắng nhất chính là tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được quyết định, từ dự án công trình trọng điểm quốc gia và những dự án thuộc nhóm A, B do Chính phủ, hay phân cấp cho tỉnh, các bộ ngành, cơ quan Trung ương quản lý. Lập hồ sơ để ghé chân thì hồ sơ không đảm bảo để tổ chức triển khai thi công nên phải rà soát phê duyệt lại cho phù hợp với điều kiện hiện nay nên có độ trễ thời gian vài tháng. Hiện 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên không thể triển khai các công trình đầu tư trong giai đoạn này. Do vậy Ủy ban Tài chính ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ủng hộ việc vốn giải ngân năm 2021 phải kéo dài. Nếu không, không giải ngân được”- ông Chiến cho hay.

Lý giải cho đề xuất này ông Chiến cho rằng: “Anh em cấp tỉnh, bộ, ngành chủ đầu tư hay nói xin được tiền là năng lực, còn tiêu được tiền mới là tài năng, mà tiêu phải tiêu cho đúng đảm bảo quy định của pháp luật”- ông Chiến nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, Quốc hội chỉ nên kiểm soát tổng số công trình dự án, những dự án trọng điểm quốc gia, không nên duyệt danh mục từng dự án. Còn từng dự án cụ thể mức phân bổ thế nào thì để Chính phủ quyết định và gửi danh sách cho Quốc hội giám sát.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ nhất, trong đó bổ sung vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất nội dung về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, với 474/474 đại biểu tán thành (100% đại biểu tham gia biểu quyết), Quốc hội đã thông qua việc bổ sung vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Cuối phiên họp chiều 24/7, Quốc hội họp riêng nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung cho những ‘quả đấm thép’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO