Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

M.Loan-H.Vũ 23/05/2018 08:00

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Đại biểu đã đề cập đến vấn đề trách nhiệm khi để xảy ra nhiều điểm nóng, như cháy chung cư, phá rừng, an toàn giao thông, phòng chống tham nhũng... Đặc biệt, theo một số đại biểu, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, thì cần nhận diện rõ mối họa lãng phí.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

Đại biểu QH đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu thảo luận tại Tổ (Ảnh: Quang Vinh).

Tăng trưởng có bền vững?

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta tăng trưởng trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Một thời gian dài với mục tiêu kiên định là ổn định kinh tế vĩ mô. 4 năm liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới 5%.

Theo ông Ngân, các cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư liên tục giúp cho dự trữ ngoại hối tăng trên 63 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, còn 4 tháng đầu năm là 3,4 tỷ USD.

Với nền tảng đó, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam cao lên, dân tin vào đồng tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Ngân, cần xem xét quan tâm điều chỉnh để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.

Bởi với độ mở kinh tế hiện nay đứng hạng 7 thế giới, nước ta dễ bị nhạy cảm với những biến động về kinh tế xã hội thế giới.

Tình hình thế giới rất phức tạp do đó cần quan tâm đến thị trường trong nước, nội lực, tức là 93,7 triệu dân.

Theo đánh giá của chỉ số năng lực thế giới về năng lực cạnh tranh toàn cầu về yếu tố maketsize Việt Nam đứng thứ 31/137 thế giới, điều đó cho thấy thị trường trong nước rất hấp dẫn do đó cần quan tâm và kiểm soát độ mở.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất chính là năng suất lao động khi đây là vấn đề được nhắc đi nhắc lại trong nhiều kỳ họp.

Đáng chú ý đến nay năng suất lao động thua nhiều nước trong khối ASEAN, thấp hơn Lào, Campuchia trong khi đây chính là vấn đề liên quan đến tăng trưởng có bền vững hay không, đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng khoa học công nghệ.

Hiện thế giới đang ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vậy phải làm rõ bây giờ công nghệ của nước ta đang là mấy chấm thì mới giải quyết được vấn đề.

Theo ông Toàn hiện chi phí logistic bằng 20,9% GDP khiến giá thành sản phẩm của nước ta cao, khó có thể cạnh tranh so với hàng hóa các nước khác. Do đó cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này.

Thất thoát bằng đóng góp cả huyện 150 năm

ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng, đi đến đâu cử tri cũng hỏi thu hồi được bao nhiêu rồi?

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát tham nhũng bằng cả đóng góp của một huyện trong 150 năm. Do đó báo cáo về phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải rõ nét, nếu không cử tri sẽ không yên tâm.

“Chúng ta không vui gì với việc xử lý cán bộ, nhưng thấy rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng, toàn xã hội. Hiệu quả của cuộc đấu tranh này đã tạo thêm động lực cho đầu tư, sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng còn hạn chế, trong khi báo cáo của Chính phủ cũng chưa phân tích rõ vấn đề này để có những giải pháp thích hợp”- ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, trong PCTN vấn đề quan tâm nhất chính là thu hồi tài sản tham nhũng.

Tuy nhiên theo ông Khái, muốn thu hồi được phải phát hiện kịp thời, nghĩa là phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý. Còn để tẩu tán hoặc khi pháp lý ở mức không xử lý được thì không thu hồi được.

“Thường thường những người phạm tội mà có tài sản sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái.

Cho nên, với những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, con người, cán bộ.

Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe thì hi vọng yêu cầu của ĐBQH thì sẽ đáp ứng được”- ông Khái nói.

Còn theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), bên cạnh PCTN, chúng ta cần nhận diện rõ kẻ thù không kém phần nguy hiểm là lãng phí. Hậu quả của nó thậm chí còn nặng nề hơn tham nhũng.

Có rất nhiều hình thức lãng phí, trong đó có loại vô hình như lãng phí thời gian, cơ hội, xuất phát từ sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhưng nó lại rất khó nhận diện, rất dễ chối kiểu: “Tôi có lấy gì đâu?”.

Do đó phải có chế tài thích hợp để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất.

Chưa làm hết trách nhiệm

Ông Lê Chiêm- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, việc phá rừng, đặc biệt là địa bàn Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung là rất nghiêm trọng, đề nghị phải xử lý nghiêm túc vì rừng càng ngày càng cạn kiệt. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề, tình trạng phá rừng trầm trọng thì trách nhiệm của ai? “Phải làm rõ do trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan đó có tiêu cực không, hay thiếu đội ngũ cán bộ để thực hiện?”- bà Nga đặt vấn đề.

Vẫn theo bà Nga, tình trạng cháy nổ nhất là cháy chung cư đang diễn ra nghiêm trọng, hầu như ngày nào cũng nghe thấy xảy ra cháy, trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra 1.450 vụ cháy nổ.

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, Chính phủ cần tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này để bàn giải pháp xem tại sao cháy chung cư liên tiếp như vậy, để từ đó xác định trách nhiệm.

“Rồi vấn đề tai nạn giao thông khi xảy ra 6.000 vụ tại nạn giao thông, theo tính toán của Mặt trận trong báo cáo kiến nghị cử tri ngày 21-5 thì trung bình 1 ngày 23 người chết, chưa kể bị thương.

Như vậy từ sáng đến trưa đã có 11 người chết vì tai nạn giao thông. Như vậy là nghiêm trọng cho nên Chính phủ cần tập trung có giải pháp để chặn đứng”- bà Nga nói.

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, kết quả năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đưa ra những tín hiệu rất tốt.

Tuy nhiên, các số liệu của Chính phủ cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tập trung vào một số ngành, một số doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, sản phẩm xuất khẩu cao, đóng góp cho tăng trưởng nhiều.

Điều đó chưa làm nên tính bền vững của cả một nền kinh tế. Và tính kết nối công nghiệp chế tạo chế biến có đóng góp nhiều nhưng cũng chỉ dừng lại ở khâu gia công chứ chưa phải là công nghiệp cao thực sự.

Tính kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thực sự chưa hiệu quả. Những doanh nghiệp lớn chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa và kết nối một chuỗi giá trị tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Chính phủ bảo đảm tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; chấn chỉnh lại công tác quản lý nhà nước về đất đai, về tài sản công; quản lý đô thị, quy hoạch đô thị; rà soát tổng hợp các dự án ODA đang triển khai…

M.Loan-H.Vũ

Phát biểu tại tổ vào sáng 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị được nhân lên rất nhiều. Đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.

Có thể nói, hệ thống trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, các tầng lớp kinh doanh, nhất là khu vực nông thôn.

42% lao động sống ở nông thôn nhưng giá trị trong nông nghiệp nông thôn đóng góp cho GDP chỉ 18%. Do vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao năng suất chúng ta thấp.

Cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng nêu rõ, làm sao các bộ phận hiện nay, nhất là những bộ phận phục vụ trực tiếp đến nhân dân, những người liên quan đến doanh nghiệp phải có chuyển biến mạnh hơn trong việc phục vụ nhân dân, cùng với những cải cách khác mà chúng ta phải tiến hành.

H.Mai-T.Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO