Tất cả cùng chìm hoặc cùng sống sót

Thế Tuấn (theo EuroNews) 26/04/2020 08:00

Thủ tướng Bungaria B.Borisov cho biết, nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập “phòng chờ” của Eurozone vào cuối tháng 4 này, sau khi Sophia có các cuộc thảo luận với Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu và quan chức EC. Ông cho rằng, những nước thuộc Eurozone và trong “phòng chờ” của khu vực đồng tiền chung này sẽ được cung ứng đủ lực để phục hồi nền kinh tế khi dịch Covid-19 đi qua.

Tất cả cùng chìm hoặc cùng sống sót

Ánh mắt hốt hoảng của người dân Venice (Italy) khi dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Getty.

Nhưng, thật đáng tiếc, trên thực tế Covid-19 đang hủy hoại EU. Cho dù tiềm lực kinh tế hùng mạnh nhưng tất cả các thành viên EU đều cảm thấy “khó thở”. “Trong cuộc khủng hoảng này, tất cả cùng chìm hoặc đều sống sót”- Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya nói với Euronews. Trước đó, vào hồi đầu tháng 4, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã tán thành về gói trị giá 500 tỷ euro để giúp các quốc gia thành viên giải quyết vấn đề kinh tế tức thời do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trước sự tàn phá của đại dịch, các quốc gia EU cho rằng “con đường thoát duy nhất là đoàn kết”, “có chìm thì cùng chìm”. Vì thế, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã kêu gọi “nợ chung”- nói một cách hình ảnh là “trái phiếu Corona”. Tuy nhiên, các quốc gia như Hà Lan và Đức lại không mặn mà với ý tưởng này.

Không nản, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục kêu gọi “chung thuyền”. Nói như bà Gonzalez Laya thì “những gì chúng ta cần bây giờ là phản ứng trung hạn đến dài hạn cho cuộc khủng hoảng này, bao gồm hai phần: ngân sách và quỹ phục hồi. Ngợi trưởng Tây Ban Nha trong một nỗ lực không mệt mỏi luôn hô hào “có trách nhiệm”, “tham vọng” và “thực tế” khi cần phải sớm khởi động lại động cơ của nền kinh tế.

Theo truyền thông Tây Ban Nha, hiện GDP của nước này thu hẹp hơn bao giờ hết kể từ Thế chiến II. Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha từng cảnh báo, tùy thuộc vào thời gian phong tỏa của quốc gia, nền kinh tế có giảm mạnh tới 12,4% trong năm nay. Vì thế, trong khối EU, chính Tây Ban Nha lớn tiếng nhất kêu gọi “chung thuyền, chung số phận”. Nói như Ngoại trưởng Tây Ban Nha thì nếu đoàn kết được sẽ tạo ra sức mạnh, ngược lại sẽ bị “đắm thuyền”.

Từ 14/3, Tây Ban Nha đã ban hành lệnh phong tỏa vô cùng nghiêm ngặt, dự kiến kéo dài đến ngày 9/5. Trẻ em dưới 14 tuổi không được phép rời khỏi nhà.

Tại thời điểm này, tuy rằng đã “chán nản và mệt mỏi” nhưng truyền thông châu Âu vẫn kín đặc thông tin và hình ảnh về dịch Covid-19. Vấn đề thường bắt gặp nhất trong các trang báo tuần này là ‘‘Các loài virus mới đến từ đâu?’’. Theo tờ Le Point (Pháp), điều đó cũng đồng nghĩa với mất niềm tin. Một vấn đề khác cũng thu hút được sự chú ý, còn hơn cả số người chết được thông báo mỗi ngày chính là “cuộc chiến tranh bí mật’’ được hiểu là sự cạnh tranh khốc liệt giành giật trang thiết bị y tế. Trong khi đó, ngay trên trang nhất, tuần san Courrier International đặt câu hỏi: Đại dịch Covid-19 có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm hay không?

Tất cả đều khiến người ta đã bối rối lại càng thêm bối rối.

Cũng chính vì thế, đã xuất hiện những hoài nghi về sự suy tàn của châu Âu. Cả tờL’Obs và Le Point đều đặt vấn đề về sự suy tàn của châu Âu: Phải chăng đây là trạm áp chót, trước khi chuyến tầu dừng hẳn?

Một bài trên Le Point thu hút bạn đọc với câu chuyện đại văn hào Honoré de Balzac trong những giờ cuối đời, ‘‘sự sống đã bắt rễ trong cơ thể của người đàn ông kỳ lạ này, bắt rễ sâu xa đến mức khó lòng mà rời bỏ một cơ thể đang trong trạng thái tan rã, cho dù phần dưới của cơ thể đã chết nhưng phần não bộ vẫn minh mẫn, không chịu “ra đi”. Bài báo đặt câu hỏi: Có thể so sánh giờ phút hấp hối kỳ lạ của Balzac với chính nền văn minh phương Tây?

Còn tờ L’Obs lại viết rằng virus Corona đã xâm nhập vào những điểm rạn nứt trong các xã hội phương Tây, và khiến cho những khuyết tật của các xã hội đó hiện ra dưới ánh sáng ban ngày. Bài báo phân tích, đại dịch Covid-19 hoành hành tại chính tại các quốc gia giàu có, nhưng nạn nhân đông đảo nhất lại là những người nghèo. Tiếp theo giới y tế trên tuyến đầu, thì những người ở bậc thang thấp nhất xã hội, như người làm nghề đổ rác, người giúp việc tại gia đình, người vận chuyển hàng hoá… những người mà nghề nghiệp bấp bênh lại phải trả giá đắt nhất cho đại dịch. Nói như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì những người lao động âm thầm này là những người mà xã hội lẽ ra cần tri ân họ, nhưng ‘‘bản thân họ lại được trả lương quá thấp’’, đa số họ sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tất cả cùng chìm hoặc cùng sống sót

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO