Tàu cát bủa vây, đe dọa kè tiền tỷ

Đức Sơn - Phúc Vĩnh 22/05/2017 07:55

Để chỉnh trị, nắn dòng sông Hồng bảo vệ đất đai, mùa màng cho nhân dân, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng 2 mũi kè tại xã Trung Hà (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) với trị giá nhiều tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, hệ thống kè này đang phải oằn mình chống đỡ do tình trạng khai thác cát sỏi rầm rộ “bủa vây”, nguy cơ bị xâm hại bất cứ lúc nào.

Hoạt động khai thác cát đe dọa sự an nguy của hệ thống kè WB6.

Bến cát tự phát và kè tiền tỷ

Người dân các thôn 3, 4, 5 xã Trung Hà phản ánh: nhiều năm về trước, do ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát trái phép, một diện tích rộng lớn đất canh tác, đất ở ven sông Hồng đã bị sạt lở xuống sông khiến nhiều người dân mất trắng đất nông nghiệp. Để ngăn chặn tình trạng trên, năm 1996, Nhà nước đầu tư kè để bảo vệ đê điều và dân cư xã Trung Hà.

Tuy nhiên sau đó, hệ thống kè này bị sạt lở xuống sông do hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ. Trước nguy cơ sạt lở đất ven sông ngày càng nghiêm trọng, năm 2011, Ngân hàng Thế giới đầu tư cho xây dựng 2 mũi kè nằm trong Dự án WB6 để nắn dòng chảy trên địa phận xã Trung Hà, bảo vệ đất nông nghiệp ven sông.

Tuy nhiên, tình trạng khai khác cát vẫn tiếp tục diễn ra rầm rộ khiến nhiều bờ, bãi, đất nông nghiệp ven sông tiếp tục bị “Hà Bá” nuốt trôi. Hoạt động khai thác cát rầm rộ “bủa vây” xung quanh hệ thông kè WB6 khiến hệ thống kè này phải oằn mình chống đỡ.

Vẫn theo người dân xã Trung Hà, Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô được cấp phép tận thu cát sỏi từ địa phận thôn 3 đến hết địa phận thôn 5 xã Trung Hà, cách 2 đầu mũi kè WB6 là 70m.

Nhưng nhiều lần Công ty này đã khai thác vượt quá giới hạn cho phép, sát về phía trong 2 mũi kè WB6 vị trí đầu thôn 2. Công ty này cũng nhiều lần khai thác sai vị trí, tiến sâu vào bờ bãi phía trong thân kè có nguy cơ làm ảnh hưởng đến hệ thống kè WB6.

Không chỉ vậy, ngay gần mỏ cát của Công ty này cũng xuất hiện hàng chục tàu lạ tới hút trộm cát. Nhiều thời điểm, đoạn sông khu vực xung quanh hệ thống kè có tới hàng trăm tàu khai thác và vận chuyển cát khiến cả khu vực rung chuyển ầm ầm.

Đáng chú ý, có 3 bến cát tự phát xuất hiện trên khu vực bãi bồi giáp mũi kè thôn 2 được UBND xã Trung Hà cho thuê đất với mục đích nuôi trồng thủy sản. Được biết, 3 hộ dân được UBND xã Trung Hà thuê gồm hộ ông Trần Văn Sách, Đỗ Văn Cừ và Nguyễn Văn Thạch.

3 hộ dân này được UBND xã Trung Hà cho thuê đất tại khu vực thôn 2 chia làm 3 ô liền nhau và giáp mũi kè. Trên bãi bồi chỉ có một con lạch nhỏ, nhưng với danh nghĩa làm nuôi trồng thủy sản, cả 3 hộ dân thay vì nuôi cá mà chuyển sang làm bến cát.

Từ tháng 1/2017 đến nay, khu vực kè thôn 2 đã nhanh chóng biến thành khu tập kết cát số lượng lớn và nằm trọn trong diện tích của 3 hộ dân này. Một hộ dân còn xây nhà trên nền cát được san gạt thành bãi tập kết cát sỏi.

Lý giải về việc 3 hộ dân làm bến cát tự phát, ông Trần Ngọc Thạch- Chủ tịch UBND xã Trung Hà thừa nhận: “3 hộ dân tại khu vực kè thôn 2 được UBND xã Trung Hà cho thuê đất với mục đích là để nuôi trồng thủy sản. Thời gian thuê là 5 năm bắt đầu từ tháng 1/2017 đến năm 2022.

Mục đích là tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế”. Khi được hỏi về việc cho thuê đất UBND xã Trung Hà có báo cáo UBND huyện, tỉnh Vĩnh Phúc không thì ông Thạch cho biết, xã tự cho thuê (!).

Kiểm soát chặt hoạt động khai thác cát

Lý giải về việc quản lý hoạt động khai thác cát của Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô, ông Trần Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết: “Diện tích phía trong bãi kè khoảng 70 ha, trong đó Công ty Hoàng Phát Thủ Đô được cấp phép khai thác diện tích 32ha, Công ty An Viên được cấp phép 13 ha phía ngoài bãi bồi. Giới hạn so với mũi kè là 70 m ra đến đơn vị được cấp phép.

Sở TN&MT đã yêu cầu đơn vị thả phao để phân định ranh giới với các đơn vị được cấp phép. Nhưng phía Công ty không thực hiện đầy đủ, trong khi đó lực lượng mỏng, không có các thiết bị kỹ thuật nên không thể xác định được độ sâu cũng như vị trí khai thác của doanh nghiệp dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông”.

Liên quan đến các kiến nghị của dân, ông Trần Ngọc Thạch cho rằng, đơn thư phản ánh của người dân xuất phát từ hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty được cấp phép. Các cơ quan chức năng tỉnh cần về kiểm tra để xem việc các công ty thực hiện có đúng với giới hạn được cấp phép hay không.

Xã không mong muốn doanh nghiệp về địa phương khai thác cát sỏi, vì từ ngày các công ty về đây khai thác thì xảy ra rất nhiều hệ lụy trên địa bàn, người dân có ý kiến, phản ánh rất nhiều.

Ông Trần Xuân Thể - Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà cũng cho hay, trước đây, chính quyền xã cũng có ý kiến không nên cấp phép cho các công ty khai thác cát tại xã Trung Hà vì sẽ gây nhiều hệ lụy, nhưng sau đó tỉnh vẫn quyết định cấp phép cho Công ty Hoàng Phát Thủ Đô.

Được biết, trước các kiến nghị của dân, mới đây, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND xã Trung Hà, Công ty khoáng sản Hoàng phát Thủ đô và các hộ dân tổ chức đối thoại.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tuấn Vĩ - Chủ tịch HĐQT Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô giải thích rằng: “Phía Công ty luôn thực hiện đúng quy định về hoạt động khai thác cát, những thông tin cho rằng Công ty làm sai trái quy định là sự chụp mũ, là sự hiểu lầm”.

Theo ông Vĩ, tại địa bàn xã Trung Hà và vùng lân cận có rất nhiều tàu hút cát của người dân tại địa phương. Sự hoạt động, đi lại của các tàu thuyền khai thác cát ở gần mỏ cát công ty được cấp là có và thẩm quyền quản lý thuộc về ngành chức năng, chính quyền địa phương.

Còn ông Trần Minh Dương-Trưởng phòng khoáng sản, Sở TN&MT Vĩnh Phúc khẳng định: “Việc khai thác cát ngoài phạm vi cho phép là khai thác trái phép. Tuy nhiên việc phát hiện và xử lý các trường hợp này là rất khó khăn, điểu này chỉ có địa phương nắm rõ”.

Sau khi đối thoại, các cơ quan chức năng đã xuống thực tế tại địa bàn mỏ và các khu bãi bồi để kiểm tra thấy một số tàu của Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô hoạt động đúng phạm vi cho phép; hàng chục tàu thuyền còn lại được xác định là tàu của các hộ dân cư tại địa phương vào gần bờ để đậu. Theo ông Dương thì khi tàu thuyền neo đậu và chủ phương tiện lên bờ về nhà nghỉ ngơi thì không thể khẳng định, suy đoán các tàu này là khai thác cát trái phép được bởi các tàu một số hộ dân đi làm ăn nơi khác hoặc vận chuyển hàng hóa không phải là cát sỏi.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác cát trên sông Hồng xung quanh khu vực kè WB6, nếu ngành chức năng huyện Yên Lạc và tỉnh Vĩnh Phúc không có biện pháp, kiểm soát ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả thì nguy cơ sạt lở hệ thống kè, sạt lở đất đai, bờ sông ở Trung Hà sẽ diễn biến phức tạp, hệ lụy khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu cát bủa vây, đe dọa kè tiền tỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO