Tàu vỏ thép lớn nhất Ninh Thuận phải nằm bờ

Văn Nhất 14/08/2017 08:35

Tàu vỏ thép thu mua hải sản của ngư dân Dương Văn Thắng (Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), được đóng mới theo Nghị định 67 với trị giá hơn 15 tỷ đồng, mang tên Hoàng Sa NT-91234, hạ thủy vào đầu năm 2016 có thể coi là con tàu vỏ thép lớn nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng sau 4 chuyến thu mua hải sản trên biển thì tàu đã nằm bờ hơn một năm nay mà chưa có hướng giải quyết.

Ngư dân Dương Văn Thắng chỉ ra những bất cập của con tàu.

Nỗi buồn từ con tàu vỏ thép

Chúng tôi đến cảng Cà Ná tỉnh Ninh Thuận vào những ngày giữa tháng 8 đầy nắng gió. Anh Dương Văn Thắng, chủ nhân của con tàu vỏ thép lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận đưa chúng tôi ra tàu bằng con thuyền thúng nhỏ. Vừa chèo anh Thắng vừa chỉ: “Các anh thấy không, xung quanh cảng, có cái tàu nào đáy giống con tàu tôi không. Chính cái khác biệt đó mà ngày hôm nay anh em ta gặp nhau đó”.

Bước lên con tàu, chúng tôi không thể tưởng tượng được tàu to và hoành tráng đến thế. Chúng tôi cứ phân vân tàu to thế tại sao lại không vươn khơi được? Anh Thắng nói: “Thì đó, trên thì to vậy nhưng phía dưới đáy tàu có chút xíu à. Chữ V như thế nào thì con tàu được thiết kế như thế làm sao mà không lắc được”.

Anh Thắng cho biết, tàu vỏ thép thu mua hải sản này được Cty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh đóng theo mẫu thiết kế của Bộ NNPTNT. Tàu có chiều dài 28m, chiều rộng toàn bộ 7,96m, chiều cao mạn 3,65m và mớn nước thiết kế là 2,85m được hạ thủy vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, sau 4 chuyến thu mua hải sản trên biển, tàu đã lộ rõ nhiều bất cập, hư hỏng, rung lắc và phải nằm bờ hơn một năm nay mà chưa có hướng giải quyết.

Theo phản ánh của ngư dân Dương Văn Thắng, vấn đề nghiêm trọng nhất mà tàu không thể vươn khơi là do tàu quá lắc, chỉ cần đi ra biển sóng cỡ cấp 5 là lắc chịu không nổi. Có lần tàu vào gần đảo Phú Quý (Bình Thuận) chút xíu nữa thì lật, tưởng chìm luôn.

Anh Thắng cho biết, từ khi mới bắt đầu ký hợp đồng và chọn mẫu tàu thì trong 24 mẫu mà Bộ NNPTNT đưa ra, miền Trung chỉ có một mẫu tàu hậu cần này là duy nhất nên chọn. “Khi nhìn vào bảng mẫu thấy đẹp lắm và là mẫu của Bộ đưa ra nên mình tin tưởng. Nhưng khi đóng và hạ thủy mới thấy nhiều bất cập. Trên tàu thì lớn nhưng phía dưới bị bóp đáy quá nhiều, giống hình chữ V nên chỉ cần sóng lớn chút là lắc ngay, nhìn không giống như bảng mẫu chút nào. Gần 20 năm đi biển giờ tôi mới biết cảm giác sợ lắc là gì”- anh Thắng kể.

Vẫn theo anh Thắng, tàu mình thì vỏ sắt và lớn, còn các tàu đánh bắt và bán cá cho mình thì nhỏ và vỏ gỗ. Khi cập mạn vào thu mua thì tàu mình không lên xuống như sóng biển mà lắc qua lắc về, còn tàu vỏ gỗ thì nó nhảy theo con sóng lên xuống, thế là tàu mình cứ đánh vào tàu họ không bể cái này thì hư cái khác. Chỉ một lần là họ không dám bán lần thứ hai. Nhiều bạn hàng làm ăn lâu năm với mình tâm sự, thật lòng là họ muốn bán cho mình, nhưng với tình trạng tàu lắc như vậy họ sợ lắm. Nếu nhẹ thì bị bể tàu phải chạy vào bờ sửa chữa mất cả tháng và phải nghỉ biển, còn sóng lớn mà tàu lắc có khi đánh chìm tàu họ nên họ không dám bán.

Con tàu vỏ thép lớn nhất và duy nhất được đóng theo Nghị định 67 của tỉnh Ninh Thuận nằm bờ đã hơn 1 năm.

Quá nhiều bất cập

Mở các khoang chứa cá cho chúng tôi xem, anh Thắng phân trần: Các anh thấy không, theo thiết kế thì tàu có sức chứa lên đến 250 tấn nhưng thực tế chỉ chứa khoảng 24 tấn là hết sức. Anh Thắng dẫn chứng, tàu vỏ sắt này lên đến 829 mã lực mà cũng chứa được chừng đó thì không thể chấp nhận được. Trong khi đó, cạnh các khoang chứa cá có 2 khoang lớn được thiết kế để chứa nước làm cân bằng tàu mà họ không làm khoang chứa cá. Mỗi khi đi biển tôi phải bỏ ra 20 triệu để bơm nước vào các khoang này chỉ để làm cân bằng tàu. Khi thu mua được cá, tàu đủ nặng lại phải đổ “đổ 20 triệu” nước đã bơm xuống biển để tàu đủ tải, cân bằng lại.

Bên cạnh đó, tàu vỏ gỗ của gia đình chạy từ cảng Cà Ná ra đảo Phú Quý hơn 45 hải lý chỉ mất 300 lít dầu còn tàu vỏ sắt thì phải mất cả 1.000 lít. Anh Thắng cho biết thêm: Tàu mình thì mới, nhưng khi vươn khơi thì định vị ra-đa thì không dò được. Tàu khác bắt được vị trí tàu mình, còn mình muốn định vị tàu khác để đến mua lại không được. Đi thu mua mà không tìm được tàu cá thì biết chỗ nào mà mua, khi về kiểm tra mới biết là dây điện bị lắp ngược. “Chân cẩu tời thì gãy, phía trước thì hàn 2 tấm sắt khi kéo neo lên là dây neo đứt không dám thả lần thứ hai, mỗi lần kéo lên là phải chặt đứt 1 đoạn để cố định lại. Điện thì lúc có, lúc không, điện đài trợ lực thì chập chờn, đang chạy ngon lành giữa đêm thì mất luôn rồi khoảng 5 phút sau nó lại đỏ lại, chút xíu lại mất không lái được”.

Dẫn chúng tôi xuống phòng máy tối om, anh Thắng cho biết, “cách đây khoảng 1 tháng thì nó không tối vậy đâu, giờ gia đình hết tiền rồi nên nó cũng tối theo đó”. Dùng điện thoại để làm đèn pin, chỉ vào máy chính của tàu, anh khoe: “Nằm bờ cả năm mà các anh thấy nó như mới không, đó là nhờ mỗi tháng nó nuốt cả trăm lít dầu bảo dưỡng của tôi, bảo đảm là sơn vẫn còn mới, có một chút rỉ sét nào”.

Đến phần máy phát điện thì ngược lại, anh cười trong thất vọng: “Không biết họ bắt làm sao mà nó nổ âm cả tàu, thu mua cá mà nói không ai nghe ai hết, các tăng phô, bóng đèn mỗi lần đầu tư hàng chục triệu đồng mà gắn vào là cháy, gắn vào là cháy…Chỉ tay xuống đáy tàu, anh nói: “Tàu vỏ sắt gì mà nước vào dữ quá, mỗi lần bơm nước phải chui xuống dưới đáy tàu mà mở van thì không ai dám chui đâu, tàu thì lênh đênh trên biển, máy thì đang chạy mà chịu xuống dưới gầm mở van thì không biết chuyện gì xảy ra”.

Bình Định: 25 chủ tàu vỏ thép đã quá hạn trả nợ gần 13 tỉ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ, nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ đối với một số tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa, đến thời hạn trả nợ gốc và lãi vay. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 25 chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 đã quá hạn trả nợ với tổng số tiền hơn 12,8 tỉ đồng, trong đó nợ gốc hơn 8,5 tỉ đồng và tiền lãi hơn 4,3 tỉ đồng. Nguyên nhân các chủ tàu không thể trả nợ đúng hạn có 20 tàu vỏ thép hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa nhiều tháng nay. Các tàu được đóng mới tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Ngoài ra, có 3 chủ tàu có tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả, không có thuyền viên, phải nằm bờ từ đầu năm đến nay và 2 tàu vỏ thép đánh bắt có hiệu quả nhưng không chịu trả nợ ngân hàng.

V.Nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu vỏ thép lớn nhất Ninh Thuận phải nằm bờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO