Tây Nguyên: Nỗi lo đuối nước trẻ em

Nguyễn Tuấn Anh 16/06/2016 23:19

Tây Nguyên vào mùa mưa cũng là lúc trẻ em nơi đây bước vào kỳ nghỉ hè. Với đặc trưng là vùng trồng cây công nghiệp nên số lượng ao hồ, đập thủy lợi dày đặc, chưa kể sau mỗi mùa hạn hán người dân thường xuyên đào giếng, múc ao sâu với vách thẳng đứng để tích nước sản xuất khiến nguy cơ đuối nước của trẻ em rất cao khi không có sự giám sát của người lớn. 

Tây Nguyên: Nỗi lo đuối nước trẻ em

Nhiều trẻ em ở Tây Nguyên vẫn thường xuyên tắm sông suối mà không có sự giám sát của người lớn .

Gần 1 tháng nay, gia đình các em Nguyễn Huy Hùng (SN 2006), Nguyễn Huy Hòa (SN 2008) và Trương Đức Bình (SN 2006) học sinh trường tiểu học Lê Quý Đôn (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa hết bàng hoàng và không tin vào sự thật khi những đứa con của họ đã mãi mãi ra đi vì bị đuối nước tại hồ thủy lợi. Người nhà các nạn nhân cho biết, ngày 14/5, ba em rủ nhau ra hồ nước thuộc địa bàn thôn 2 và thôn 10 để chơi. Đến chiều tối, người thân không thấy các em trở về nên đổ xô đi tìm thì phát hiện sự việc đau lòng.

Mới đây vào ngày 23/5, các em Trần Thị Xuân Thảo (SN 2004) trú thôn 6 xã Đắk Ru, huyện Đăk R’lấp và Đỗ Cao Kỳ Duyên (SN 2004) và Trần Thị Mỹ Năng (sinh 2001) cùng trú thôn Sơn Phú (xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, Bình Phước) cũng rủ nhau ra hồ thủy lợi Đắk Ru tắm, do không biết bơi nên cả 3 em bị đuối nước.

Các em bị đuối nước tử vong là sự mất mát lớn cho gia đình, trường học và xã hội. Những cái chết thương tâm của các em là tiếng chuông cảnh báo cho người thân và xã hội cần phải quan tâm, chăm sóc hơn nữa cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi mỗi khi vào hè ngoài việc thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát của người lớn các em thường xuyên rủ nhau đi tắm sông suối, ao hồ khiến cho nguy cơ bị đuối nước luôn cận kề.

Trước tình trạng trẻ em đuối nước tăng cao, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra công văn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chính quyền các cấp tổ chức các lớp học bơi cho trẻ em, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông đường thủy, cấp phát phao cứu sinh, tập huấn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu đuối nước cho cán bộ y tế cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước.

Tuy nhiên những lớp học bơi miễn phí được tổ chức cũng mới chỉ đáp ứng được 1 phần nhỏ nhu cầu học của các em chủ yếu ở thành phố, thị xã, thi trấn và các gia đình có điều kiện kinh tế. Còn đa số các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn thì gia đình không có điều kiện, nên các em luôn thường rủ nhau ra sông suối, ao hồ, đập thủy lợi để chơi và tắm.

Thiết nghĩ để phòng ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ em, hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng xảy ra, bên cạnh việc quan tâm, huấn luyện kỹ năng bơi cho học sinh trong các trường học các ngành chức năng cần khẩn trương đề ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để phòng ngừa tình trạng này.

Trước mắt các địa phương, đơn vị đang xây dựng hoặc quản lý công trình thủy lợi cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn đối với công trình quản lý, xây dựng biển báo, biển cấm nguy hiểm, hàng rào ngăn cách để bảo vệ. Đối với các hộ dân tự ý đào ao phục vụ tưới tiêu phải đầu tư kinh phí, kéo lưới, rào quanh để che chắn, hạn chế, ngăn chặn, không để trẻ em vào chơi đùa, chăn thả gia súc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên: Nỗi lo đuối nước trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO