Tây Nguyên: Tập trung toàn lực để khống chế dịch bệnh bạch hầu

Khánh Ngọc 21/07/2020 22:02

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về công tác khám, chữa bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 21/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu của các tỉnh Tây Nguyên.

Theo báo cáo, tính đến nay khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận tổng cộng 108 trường hợp dương tính với bạch hầu tại 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Trong đó, có 38 trường hợp người lành mang trùng và có 3 trường hợp tử vong. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 18 trường hợp dương tính với bạch hầu; tỉnh Kon Tum 32 trường hợp; tỉnh Đắk Nông 33 trường hợp; tỉnh Gia Lai 25.

Tại buổi làm việc, đại diện ngành Y tế các tỉnh đang có dịch bạch hầu cho biết, hiện công tác điều trị bệnh nhân bạch hầu đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) để điều trị cho bệnh nhân mắc bạch hầu hiện rất khan hiếm, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác điều trị, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó, đối với bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thiết bị máy móc, nguồn nhân lực còn hạn chế trong việc điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bạch hầu trong trường hợp bệnh diễn biến bệnh nặng và xảy ra biến chứng.

Ông Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc hội chẩn trực tiếp với sự tham gia của nhiều đơn vị sẽ giúp công tác điều trị các bệnh nhân nặng đạt hiệu quả tốt hơn. Đối với thuốc huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối đưa nguồn thuốc về điều trị cho bệnh nhân bạch hầu. Dự kiến, trong cuối tháng 7/2020 sẽ có nguồn thuốc cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên phục vụ công tác điều trị bệnh nhân bạch hầu.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự tập trung sức lực, tinh thần, vật chất của các tỉnh khu vực Tây Nguyên để khống chế dịch ngay từ giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng chống và dập dịch, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh cần nâng cao vai trò của các tuyến điều trị tại địa phương, nhất là tuyến y tế cơ sở. Các tỉnh Tây Nguyên phải có kế hoạch cụ thể để báo cáo Bộ Y tế nhu cầu về trang thiết bị, thuốc men, đảm bảo phục vụ cho công tác điều trị và dự phòng bệnh bạch hầu để được hỗ trợ.

Về vấn đề thuốc kháng sinh dự phòng, Thứ trưởng yêu cầu Cục quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở vi sinh trên cả nước làm kháng sinh đồ để có thêm các loại kháng sinh phục vụ công tác dự phòng bạch hầu. Đối với khó khăn của các địa phương, Đoàn công tác sẽ ghi nhận các ý kiến để báo cáo lên Bộ trưởng, từ đó có kế hoạch, chỉ đạo khẩn cấp nhằm hỗ trợ các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai hiệu quả công tác điều trị và dập dịch bạch hầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên: Tập trung toàn lực để khống chế dịch bệnh bạch hầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO