Tây Nguyên và cuộc chiến chống bệnh bạch hầu

Thùy Trang 06/08/2020 09:00

Trong nhiều tháng qua trên địa bàn Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh bạch hầu làm hàng trăm người mắc bệnh, trong đó tử vong 3 người (2 người ở Đăk Nông và 1 người ở Gia Lai). Đây được coi là trung tâm của bệnh dịch bạch hầu của cả nước.

Để nhanh chóng dập dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai đã tiến hành điều tra, xử lý ổ dịch, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch có hiệu quả lâu dài. Tổ chức các lớp tập huấn về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống và điều trị bệnh bạch hầu” cho tuyến huyện và tập huấn “Hướng dẫn thiết lập và vận hành đội đáp ứng nhanh” cho cán bộ ở tuyến tỉnh.

Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng phân công 4 bệnh viện tuyến Trung ương thành lập 4 đoàn công tác hỗ trợ cho ngành y tế 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum từ công tác khảo sát phát hiện bệnh, cách ly, xử lý môi trường, điều trị… bệnh bạch hầu trên địa bàn.

Từ đó, ngành Y tế chuyển từ biện pháp phòng, chống, điều trị bệnh thụ động sang các biện pháp chủ động: Khoanh vùng, lấy mẫu trong cộng đồng với những khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các trường hợp mang trực khuẩn bạch hầu để chủ động trong công tác điều trị; xử lý các biện pháp y tế đối với các vùng phát hiện ca bệnh…

Thực hiện giám sát, rà soát kỹ tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm họng và tăng cường giám sát ca bệnh nghi ngờ ở các xã vùng sâu, vùng xa, khi phát hiện ca bệnh lập tức khoanh vùng, cách ly các khu vực đó.

Với nhiều ổ dịch được phát hiện, hàng ngàn người nghi ngờ, tiếp xúc gần hoặc ở trong vùng có dịch được khám, tiêm kháng sinh phòng điều trị.

Để làm tốt việc dập dịch trên địa bàn hướng tới xóa sổ bệnh bạch hầu, ngành Y tế cùng với các cấp chính quyền địa phương đã rà soát, điều tra dịch tễ để truy vết nguồn lây, cũng như việc tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, hiểu rõ việc tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn người dịch bệnh không chỉ là bệnh bạch hầu mà còn nhiều bệnh khác như bệnh tả, cúm, vv…

Từ đó mọi người sẽ tự nguyện đưa con em mình đi tiêm chủng đạt tỷ lệ ngày một cao (ở đây hiện nay là một trong những địa bàn trũng nhất của cả nước về tỷ lệ tiêm phòng. Đặc biệt là nhiều thôn bản, đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 10 – 30%).

Tới nay, ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức khám sàng lọc cho hàng trăm ngàn người dân ở các vùng dịch và lân cận, cũng như tập trung cao độ việc điều trị cho những người mắc bệnh; với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để khẩn trương dập dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên và cuộc chiến chống bệnh bạch hầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO