Tế chủ hội Xuân

NGUYỄN MINH HOA 10/03/2022 09:46

Mùa Xuân đến vang vang tiếng trống hội, khắp làng trên xóm dưới, khắp bên lở bên bồi dân thôn đều chuẩn bị chu đáo cho lễ trọng này. Những làng em, làng anh, những làng kết chạ cũng lưu tâm chọn tuyển người sắm lễ và đại diện để giao đãi với nhau.

Hội làng. Ảnh: Thư Hoàng.

Lễ hội mùa Xuân là một phần quan trọng trong tâm thức làng, trong đời sống làng xã từ xưa đến nay, góp phần làm nên hồn vía của làng. Lễ hội mùa Xuân cùng các nghi thức phụng thờ nhắc nhớ con người ta vị trí của mình và dòng tộc với làng xã: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”.

Hội làng với những khái niệm ban đầu về bản quán theo tháng năm đã bồi đắp tình cảm đầy đặn hơn lên cho mỗi người cảm nhận được sự thiêng liêng nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để nuôi những suy nghĩ rộng hơn về quê hương, đất nước.

Một trong những nhân vật quan trọng trong các nghi lễ của hội Xuân là ông tế chủ, người sẽ thay mặt dân làng thực hành nghi lễ trọng tâm của lễ hội.

Mùa Xuân đến rồi đi theo quy luật, người trong làng cũng từng ngày vun đắp phúc đức cho gia đình, dòng họ nếu cờ đến tay thì tâm thành đón nhận. Quả đúng vị trí tế chủ trong hội Xuân là một trọng trách với làng. Một kỉ niệm đẹp với người được chọn mà không dễ ai cũng có được.

Thường thì, ngay từ mùa Thu, cùng lắm là sang Đông khi mùa màng thu hoạch xong, những sang sửa hay “bao sái” đình miếu xong thì cũng là lúc các cụ họp bàn. Dự trù kinh phí, lễ lạp, đón khách hay hậu cần hẵng để sau mà việc tìm ra ông tế chủ cho lễ hội mùa Xuân năm sau mới là hàng đầu. Người được chọn làm tế chủ phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định, tuân thủ nghiêm theo lối các cụ xưa.

Thứ nhất, ông tế chủ phải là người làng, có diện mạo đẹp, có sức khỏe, không khuyết tật về hình thức. Phải là người am hiểu về làng xã quê hương mình, hiểu về đức thành hoàng làng. Xưa các cụ thường biết về Hán - Nôm nên quy định này sau có bớt khắt khe hơn.

Thứ hai, gia đình người được chọn phải song toàn, có ông có bà, trong 2 năm qua phải không có “bụi”, tức là trong gia đình không có tang chế, tứ thân phụ mẫu hai bên gia đình. Ông tế chủ phải có con đủ nếp, đủ tẻ, nếu con đàn cháu đống càng tốt. Hơn nữa người được chọn cũng phải là người sống nề nếp, không có điều tiếng xấu trong xã ngoài làng. Ông bà cũng như các con cháu phải là những người làm ăn lương thiện, uy tín, trong ấm ngoài êm.

Thứ ba, gia đình ông tế chủ cũng phải thuộc hàng khá giả, kinh tế vững vàng, chứ người tế chủ không thể là một người nghèo khó, sống lay lắt.

Thứ tư, cả đại gia đình ông bà cùng các con cháu đều phải nhất tâm cho việc trọng đại này, dành thời gian, tâm sức, trong khoảng thời gian từ độ mùa Thu cho đến khi mãn hội.

Những tưởng các quy định ấy là không khó, nhưng xem ra thật không dễ để chọn được người đạt tất cả những tiêu chuẩn ấy. Khi những đề cử được đưa ra danh sách, các cụ cao niên đều phải thảo luận, cân nhắc. Rất có thể, người mới được đề cử không đạt phải vời đến người tế chủ của năm cũ, hay người tế chủ các năm cũ vẫn đạt các tiêu chuẩn ấy. Có những làng, khi cụ tế chủ già yếu xin được tìm người mới hoặc người đạt chuẩn xin ứng cử vị trí này và sau cuộc họp, các cụ cao niên nhất trí thì hội Xuân năm đó sẽ có người mới, đảm nhiệm nghi thức này.

Khi thống nhất chọn được ông tế chủ, thì vị trí phó cũng nhanh chóng được thiết lập, cùng với đó là đội tế được thành lập và các vị trí khác như viết văn tế, xướng tế. Khi đội tế đã chọn người xong, thì cùng với đội trống tiến hành tập tế.

Vì thế cho nên cứ dịp cuối năm là các cụ trong làng bận bịu việc chung riêng. Sân đình chiếu trải, đội trống đội tế cùng khớp. Người đi trước dạy người theo sau, theo nhịp trống, chân bước, tay khoanh, khi chắp, khi quỳ bái. Với những người đi thoát ly nghỉ hưu mới về làng, tham gia việc làng thì việc học đánh trống hay tham gia đội tế nhiều khi khó hơn các cụ đã có thâm niên xuân thu nhị kì tham dự vào việc làng. Nhưng cũng có nhiều cụ dù mới lần đầu học tế nhưng học hỏi rất nhanh, thao tác đúng. Việc học khá nghiêm cẩn, không lơi là được vì nghi thức tế thành hoàng làng rất quan trọng, thể hiện tâm thành không chỉ của đội tế mà còn thay cả dân thôn, cung kính dâng lên ngài niềm tin và ước nguyện của mình đến vị thánh bảo trợ cho dân làng.

Không chỉ người tế chủ và những người tham gia đội tế của làng thực sự phải là những người ưu tú, gương mẫu trong tư gia, dòng họ và được tiếng trong làng. Nếu không sẽ bị dân làng phản đối và hơn nữa nếu mùa màng thất bát hoặc có sự đen đủi nào ảnh hưởng đến dân thôn như thiên tai, hỏa hoạn, đạo chích, dịch bệnh xảy ra ở làng thì có thể bị coi là sự quở phạt của nhà ngài. Vì thế cho nên không chỉ ông tế chủ mà cả đội tế cùng những người trong ban khánh tiết đều phải được lựa chọn và tuân thủ các quy định này của làng.

Trong suốt quá trình tập, đội tế chỉ mặc quần áo thông thường, khớp trống, chỉ đến ngày hội, đúng giờ tế thì mới được mang bộ quần áo tế. Tất cả những việc khăn áo, mũ miện đều là người trong đội giúp nhau, không hề có sự hỗ trợ của phụ nữ. Có những ngôi đình, miếu từ xưa đến nay quy định rất nghiêm, không bao giờ cho đàn bà con gái bước chân vào hậu cung với bất kỳ lý do gì.

Tùy theo lệ tục của từng làng, từng năm mà trong các kỳ hội xuân nghi lễ tế diễn ra vào các giờ khác nhau. Có những đình đền nghi thức tế diễn ra vào ban đêm, có những khi rạng sáng, có thể lại diễn ra vào chính hội, hoặc 1 ngày trước hội chính sau khi đám rước kiệu trở về và được an vị. Nghi thức tế chính là bày tỏ lòng biết ơn đến vị thần hoàng, các vị thần linh thiêng và tiền nhân đã phù giúp, bảo trợ dân làng được yên ấm, mùa màng thuận lợi. Với những người lần đầu đảm nhiệm trọng trách này có thể căng thẳng còn bước sai nhịp trống. Nhưng với tấm lòng thành, xin đại sá. Cũng chính vì điều này mà nhiều cụ cao niên trong làng thường được làng tín nhiệm bầu làm tế chủ nhiều năm, cho đến khi tuổi cao sức yếu và tìm được người đáp ứng được các yêu cầu mới thay thế.

Từ khi nhận trọng trách, sau quá trình luyện tập đến khi mặc bộ đồ tế chủ màu xanh, đội mũ, đi hia thêu là cả một quá trình nỗ lực của ông tế chủ và gia đình. Được đại diện cho dân thôn tham gia tế trong lễ hội Xuân của làng, của tổng đã là quý mà lại còn được làm tế chủ thì đúng là vinh dự. Đây không chỉ là dấu ấn của mùa Xuân này với ông mà là sự vun đắp, tích đức của cả gia đình suốt một chặng dài. Ơn phúc tiên tổ, ông đã đi đường sáng, lấy được vợ hiền, làm dâu thảo, sinh con và nuôi các con khôn lớn, trưởng thành giữ nề nếp gia phong để các cháu sau này cũng tiếp bước gia đình dòng họ. Có như thế ông mới được “ra làng” đảm nhiệm trọng trách này. Mọi việc thuận, rất có thể năm sau ông sẽ được làng tín nhiệm tiếp tục công việc quan trọng này, cũng có thể không. Miễn là ông và gia đình đã dốc lòng, thành tâm dâng lên ngài niềm tin thành kính của mình.

Mai kia hết hội, ông tế chủ cùng đội tế và ban khánh tiết thực hiện nghi thức cuối là “lễ tạ” rồi chờ mưa rửa cửa đền với ước mong lời nguyện cầu của dân thôn đã được thần linh ghi nhận, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt vụ tháng 5, vụ tháng 10 đều được mùa cả, ngày 3 tháng 8, dân có làng nghề cũng có việc, có thêm thu nhập. Nhà nhà chăn nuôi, tăng sản cũng đều tăng thu nhập...

Dân làng giao đãi thuận hòa, giai đắt vợ, gái đắt chồng, người đi làm ăn xa cũng có thu nhập tốt, mát mặt về làng. Tên làng xã theo người làng đi đâu cũng là danh thơm...

Mùa Xuân đến rồi đi theo quy luật, người trong làng cũng từng ngày vun đắp phúc đức cho gia đình, dòng họ nếu cờ đến tay thì tâm thành đón nhận. Quả đúng vị trí tế chủ trong hội Xuân là một trọng trách với làng. Một kỉ niệm đẹp với người được chọn mà không dễ ai cũng có được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tế chủ hội Xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO