Tết cơm mới của người Pa Cô

Nguyễn Quốc 26/01/2020 09:00

Những ngày này, bà con Pa Cô, Tà Ôi huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ hội A Za Koonh trong không khí hân hoan để chào đón một mùa xuân sắp về. Niềm vui của người dân càng được nhân đôi khi mới đây, ngày 20/12/2019 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội A Za Koonh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tết cơm mới của người Pa Cô

Lễ vật được người dân chuẩn bị dâng cúng trong ngày Tết A Za Koonh.

Tết A Za Koonh (hay còn gọi là Tết cơm mới, lễ hội mừng cây lúa) là một trong những lễ hội truyền thống có từ thời xa xưa của người Pa Cô, Tà Ôi. Theo quan niệm của người dân nơi đây, Tết cơm mới là dịp để mọi người tri ân trời đất đã cho họ một mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Và cầu mong sao sang năm mới sẽ có nhiều điều phát đạt trong sự ấm no… Thế nên trong phần nghi thức cúng, lễ vật dâng lên các Giàng không thể thiếu cây lúa và một đĩa cơm trắng, được lấy từ những hạt lúa ngon nhất trong thửa ruộng của mỗi gia đình của đồng bào Pa Cô. Ngoài ra, đây còn là dịp để người dân sum họp các dòng họ, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống của người Pa Cô.

Thời điểm diễn ra Tết A Za Koonh từ trung tuần tháng 11 kéo dài đến ngày 24 tháng Chạp, nên mỗi làng bản sẽ chọn riêng một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian này để mọi người vào Tết.

Theo Già làng Hồ Văn Hạnh (thôn Lê Treeng 1, xã Hồng Trung , huyện A Lưới), Tết A Za Koonh là lễ hội truyền thống quan trọng của người Pa Cô. Tết A Za Koonh chứa đựng nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo như: lễ a xa a rah (lễ tẩy rửa), lễ Cha chootq (lễ chuẩn bị), lễ Ka coong tro (lễ mời mẹ lúa), lễ cúng A Za (các vị giống cây trồng), lễ cúng cho Giàng Xứ (Giàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất), lễ cúng Giàng Ku muuiq (những người đã khuất ), lễ cúng Giàng Pa nuôn Thần Buôn bán), lễ cúng Giàng A zel, lễ cúng Giàng Cợt (vị thần ban tặng con người), lễ Cha đooi âr beh (lễ ăn cơm mới).

Bên cạnh đó, mỗi dòng họ còn có Giàng riêng cũng được cúng lễ trong dịp này. Ở lễ cúng, người ta cầu nguyện với Giàng qua A Xiéo (là vật tượng trưng để giao tiếp với Giàng, được làm bằng 2 mảnh của ống tre). Riêng đồng bào Pa Cô sử dụng A Xiéo giống như người Kinh dùng 2 đồng xu mỗi khi cúng bái cầu nguyện. Quan niệm nếu cả 5 lần A Xiéo đều ngửa thì năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi.

Lễ vật để cúng trong ngày Tết A Za Koonh là cơm trắng, xôi, bánh, gà, heo, vịt, dê, hạt giống cây trồng, nổi bật là “tâng họt”- một loại hoa làm từ tre và vải Dzèng.

Sau khi nghi thức cúng các Giàng trong nhà đã xong, mỗi nhà đều lấy một phần lễ vật mang đến nhà sinh hoạt cộng đồng để góp lễ chung vui với mọi người trong làng. Nhà thì mang bánh a quát (loại bánh đặc trưng của người Pa Cô), nhà thì mang xôi và gà, nhà thì mang heo... Sau khi các gia đình trong làng tề tựu đến nhà sinh hoạt cộng đồng đông đủ, trưởng làng báo hiệu, bà con bắt đầu khấn nguyện sự yên bình, hoà hợp và no ấm cho làng. Tổ chức cúng Giàng chung của làng xong, trưởng làng đánh chiêng báo hiệu sự mừng vui của làng cho mùa mới, năm mới bắt đầu...

Sau phần nghi lễ cúng các Giàng sẽ là phần hội với nhiều hình thức vui chơi, hát múa với các làn điệu dân ca tự ứng tác như: Cha-chấp, ba-bói, câr-lơi… Các điệu múa, điệu nhảy lả lơi với tiếng đệm của các loại nhạc cụ cồng, chiêng… càng thu hút người trong và ngoài làng cùng đến lễ hội chung vui.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết cơm mới của người Pa Cô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO