Tết ở trời Âu

Giáp Văn Chung (Từ Budapest, Hungary) 12/02/2021 09:00

Trong dòng chảy vô tận của thời gian, từ thượng cổ tới nay, dẫu có nhiều ngày lễ tết cổ truyền, nhưng Tết Nguyên đán, hay như hầu hết chúng ta đều gọi đơn giản là Tết, trong tâm thức các dân tộc Việt, người Việt, là ngày lễ thiêng liêng và quan trọng nhất của một năm. Tết là sự kiện gắn bó máu thịt với bao thế hệ người Việt, nó đã trở thành một mỹ tục, một sinh hoạt mang đậm tính chất tâm linh.

Dịch giả Giáp Văn Chung.

Sắp đến ngày Tết, là con dân Việt, dù do những hoàn cảnh khác nhau, dù phải sống ở bất kỳ phương trời nào, bất kể giàu nghèo, thì ai ai cũng đề hướng về nguồn cội, về quê cha đất tổ thân yêu. Ai cũng muốn, trong những ngày đầu xuân, được trở về thắp cho tổ tiên nén hương thơm thảo để nhớ tới các bậc tiền nhân, để được gặp gỡ ông bà, cha mẹ, xóm giềng, bè bạn, hay nói đơn giản là để “ăn một cái Tết” với gia đình, họ hàng, xóm mạc. Còn mấy tháng nữa, có khi cả nửa năm nữa mới đến Tết, nhưng gặp nhau người ta đã hỏi: “Năm nay ông bà/anh chị/bạn/em… có về “ăn Tết” không? Một câu hỏi có khi thay một lời chào, ấm áp và thân thiện.Có lẽ chỉ có dân Việt mới hỏi nhau như thế.

Người có điều kiện về “ăn Tết” ở Việt Nam thì háo hức mong ngóng từng ngày, có khi ngó đi ngó lại xem hộ chiếu có còn hạn không vào dịp Tết, rồi lo đặt mua sẵn vé máy bay, lo sắm quà cáp, áo quần cho người thân ở quê nhà. Bây giờ khi đất nước đã khá đủ đầy, hàng hóa đã giăng giăng chẳng kém gì “bên Tây”, thì việc đó trở nên đơn giản hơn và mất dần ý nghĩa, chứ vài thập kỷ trước đây, việc lựa chọn, cân nhắc xem mua thứ gì, đem thứ gì về, bỏ lại thứ gì… là cả một vấn đề nan giải.

Những người ở lại “ăn Tết” ở xứ người thì thong thả hơn. Dân sở tại làm việc và sinh hoạt theo Tây lịch; lễ Giáng sinh thì có dềnh dang hơn chút, nhưng cũng chỉ gói gọn trong hai hay ba ngày là hết, còn cái chúng ta gọi là “Tết tây” thì chỉ có một đêm mừng năm mới là tưng bừng, sáng đầu năm là coi như đã nhạt. Thường thì bắt đầu từ mồng 3 tháng Một, là nhịp sống công nghiệp hối hả, lo toan, máy móc của một năm mới lại bắt đầu, người ta đã hầu như không còn nhớ tới mấy ngày lễ cuối năm. Vì thế mà ở trời Âu sắp Tết mà chẳng có chút nào không khí Tết, từ thời tiết đến không gian, người Việt chúng ta chỉ còn chuẩn bị Tết như một thói quen đã ăn vào máu thịt, từ xa xưa lắm.

Khung cảnh khu chợ Đồng Xuân (Đức) những ngày giáp Tết.

Dân Việt, dẫu ở xứ người, nhà nào cũng thường có một ban thờ. Ngày nay ở các nước có đông người Việt làm ăn sinh sống, như Paris, Moscow, Berlin, Praha, Warsawa, Budapest…thì nơi nào cũng có chợ Việt hay nhiều cửa hàng bán đồ thực phẩm Việt, thôi thì cũng đủ cả, nhất là dịp trước Tết, từ giò chả, bánh chưng xanh, mứt kẹo, vàng mã, hương thơm, lịch treo tường... đều sẵn và không đến nỗi quá đắt đỏ. Trên ban thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả, và các thứ đã kể ở trên kia, nhìn vào cũng không thấy thua kém một ban thờ tổ tiên ngày Tết trong nước là mấy. Nhà có người lớn tuổi thì thường hương khói gia chủ vẫn thắp, vẫn khấn vái đủ từ Tết ông Công, ông Táo qua ba ngày Tết, cũng cúng tối ba mươi, cúng Giao thừa đến khi hóa vàng ngày ba ngày bảy. Mâm cỗ Tết, thường chỉ sắp một lần chiều ba mươi hay mồng một, cũng đầy đủ và đẹp mắt chẳng kém ở quê hương. Có khi gia chủ còn mời bè bạn đến dự cùng chung vui Tết. Có điều mâm cao cỗ đầy đấy, nhưng có khi cũng chỉ người lớn nâng ly chúc tụng, thưởng thức với nhau. Lũ trẻ, nhất là những đứa sinh ra ở xứ người, chưa chứng kiến không khí Tết trong nước nên cũng thấy nhiều điều lạ lẫm. Các bậc cha mẹ làm cỗ Tết, hương khói đấy để mong nhắc nhở chúng về một mỹ tục truyền thống của cha ông. Ấy là nói chung thế, trừ những trường hợp ngoại lệ. Tết đối với người Việt có tuổi xa xứ ở châu Âu nặng về hoài niệm.

Ở các nước Đông Âu có cộng đồng người Việt lớn, các Hội đoàn người Việt thường phối hợp với cơ quan ngoại giao tổ một buổi vui đón Tết chung cho bà con. Một buổi như thế, đối với Ban Tổ chức, là vô vàn công việc lớn nhỏ: nào là lo thuê hội trường, lo đón tiếp khách khứa hay các quan chức nước sở tại, lo các khâu ẩm thực, vui chơi, lo chương trình văn nghệ, lo các trò chơi, nhất là cho các cháu nhỏ, vân vân và vân vân… Vất vả và tốn kém như thế, nhưng thường thì hiệu quả rất hạn chế. Có lẽ vì Tết, xưa nay vẫn là một ngày lễ của gia đình, nó cần sự quây quần thân mật và đầm ấm, chứ nó không phải là một ngày hội của tập thể, của đám đông. Các chương trình Tết do sứ quán hay các hội đoàn tổ chức cho bà con ít có sự thay đổi. Nên chăng các nhà văn hóa, các cơ quan ngoại giao, các hội đoàn người Việt ở nước ngoài có sự đầu tư nghiên cứu để có cách tổ chức ngày Tết cho các cộng đồng đơn giản hơn, đỡ tốn kém hơn, nhưng gần gũi, giàu tính văn hóa, dân tộc và bản sắc hơn, để cái hồn cốt, cái tinh thần của ngày Tết Việt không bị mai một trong các thế hệ mai sau.

Tết Tân Sửu (2021) này, cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và ở châu Âu nói riêng đứng trước một hoàn cảnh mới, một thử thách mới chưa từng có. Dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng, với quy mô lớn, ở hầu hết các nước châu Âu, đại dịch chưa thấy hồi kết. Chính phủ nhiều nước đã ban bố các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch, nhiều quốc gia đã phát lệnh giới nghiêm, việc đi lại giữa các nước gần như đình trệ, nền kinh tế toàn cầu sa sút và chao đảo. Việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán của bà con người Việt cũng đứng trước những khó khăn, thử thách cực kỳ lớn. Đã có nhiều bà con ta dương tính với virus corona chủng mới, nhiều người đang vật lộn với căn bệnh quái ác này, và cũng đã có nhiều người vĩnh viễn nằm lại ở xứ người. Các chuyến bay đường dài hầu như đã bị hủy bỏ, chưa biết khi nào mới mở trở lại. Hầu hết bà con không thể về vui Tết trên quê nhà, dù đau đáu nỗi quê hương, dù những ngày áp Tết lại càng da diết nhớ. Tết năm nay, ở lại xứ tuyết, cũng không thể tụ hội, gặp gỡ bạn bè, có khi ông bà không được gặp cháu, cha mẹ không được đón con về ăn Tết.

Mâm cỗ Tết của người Việt tại châu Âu với những món ăn truyền thống.

Người viết bài này cũng nằm trong cảnh ngộ chung ấy: “Thân đành ở lại đất này/ Hồn xin giang rộng cánh bay về nguồn”. Năm 2020 đầy âu lo, khó khăn đã khép lại, chỉ mong năm mới sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn cho mọi nhà. Xin thân chúc mọi gia đình Việt xa quê đón Tết Tân Sửu giản tiện, ấp áp, an lành, và hãy nhớ về Tết quê nhà trong tâm tưởng, trong hoài niệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết ở trời Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO