'Thái tử Samsung' bị tuyên án 5 năm tù giam

Khánh Duy 25/08/2017 21:15

Hôm 25/8, ông Lee Jae-yong, người thừa kế Tập đoàn Samsung, đã bị một tòa án của Hàn Quốc tuyên án 5 năm tù giam do các cáo buộc liên quan tới hối lộ, sau quá trình xét xử kéo dài 6 tháng qua về vụ bê bối chấn động đã khiến cho Tổng thống nước này là bà Park Geun-hye, bị phế truất trước đó.

“Thái tử Samsung” Lee Jae-yong, trong một lần xuất hiện tại tòa án Seoul (Nguồn: AP).

Mức án nặng

Lee, 49 tuổi, người kế thừa của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, đã bị giam giữ kể từ tháng 2 năm nay do cáo buộc hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye để đổi lấy sự ủng hộ của bà trong một thương vụ sáp nhập giúp ông nắm quyền kiểm soát Công ty Samsung Electronics - hãng sản xuất smartphone và chip điện tử hàng đầu thế giới.

Giới công tố Hàn Quốc ban đầu đề nghị mức án lên tới 12 năm tù giam đối với ông Lee, người cũng đối mặt với nhiều cáo buộc khác bao gồm biển thủ và khai man - và có thể là bản án khắc nghiệt nhất đối với một lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc từ trước đến nay.

Lee Jae-yong, thế hệ lãnh đạo thứ ba của Tập đoàn hùng mạnh Samsung, thực tế đã điều hành hoạt động của đế chế kinh tế này kể từ khi cha của ông là Lee Kun-hee, phải nằm viện sau một cú đau tim năm 2014.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng một bản án cùng hạn tù dài có thể gây ra khoảng trống quyền lực, khi không có ai đủ quyền đưa ra các quyết định lớn tại Samsung - tập đoàn hiện sở hữu 5 công ty con với tổng tài sản lên tới 363 nghìn tỷ Won (321,8 tỷ USD). Các công ty thuộc Tập đoàn này đóng góp tới 30% giá trị thị trường trên sàn cổ phiếu KOSPI của Hàn Quốc.

Nhưng dù bản án dành cho ông Lee có như thế nào thì các luật sư của ông cũng được cho là sẽ kháng án lên Tòa tối cao, và dự kiến bản án cuối cùng sẽ được đưa ra trong năm tới.

Giới công tố từng nói rằng các khoản đóng góp của Samsung đối với 2 quỹ phi lợi nhuận mà cựu Tổng thống Park Geun-hye hậu thuẫn là nhằm đảo bảo sự ủng hộ của chính phủ đối với vụ sáp nhập 2 chi nhánh của họ, củng cố quyền lực của ông Lee. Bản thân ông Lee bác bỏ mọi cáo buộc, trong khi các luật sư của ông nói rằng vụ sáp nhập năm 2015 được thực hiện tuân thủ theo các điều luật về thương mại.

Bên ngoài Tòa án Trung tâm Seoul hôm 25/8, hàng trăm người ủng hộ ông Lee và cựu Tổng thống Park, phần lớn là người già, đã mang theo quốc kỳ và hô vang khẩu hiệu “Vô tội! Trả tự do!”.

Phá vỡ truyền thống

Samsung, được thành lập bởi ông nội của ông Lee Jae-yong vào năm 1938, được xem là một biểu tượng trỗi dậy kỳ diệu từ nghèo đói của đất nước Hàn Quốc sau cuộc chiến liên Triều 1950-1953. Nhưng nhiều năm trôi qua, Tập đoàn này ngày càng cho thấy họ là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ giữa giới chính trị gia và các tập đoàn gia đình trị ở Hàn Quốc - còn gọi là Chaebol - vốn đã gây ra vô số vụ bê bối tham nhũng.

Người dân Hàn Quốc, những người từng có thời tung hô các Chaebol vì đã góp phần đưa đất nước trở thành một siêu cường kinh tế, giờ đã quay sang lên án họ vì khiến cho nền kinh tế đất nước trì trệ và chèn ép các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Các nhà đầu tư nói rằng cổ phiếu của các công ty thuộc Chaebol thường được bán thấp giá do cách vận hành không minh bạch.
“Các lãnh đạo của Chaebol từng nhiều lần nhận được lời tuyên án kiểu này, thậm chí còn có câu nói về công thức “3-5”, tức mất 3 năm tuyên án, 5 năm án treo” - Park Sangin, giáo sư kinh tế học thuộc ĐH Quốc gia Seoul, nói và cho hay: “Nếu ông Lee bị tuyên án nặng thì đây có thể là động thái phá vỡ truyền thống trong quá khứ”.

Cha của Lee Jae-yong từng bị tuyên án hồi năm 2009 vì cáo buộc trốn thuế, và có đến 3 năm tạm ngừng tuyên án, trong khi các vị quan tòa chỉ ra đóng góp của ông đối với sự phát triển kinh tế nước nhà cùng “lòng yêu nước thông qua việc tạo thêm công ăn việc làm”.

Tổng thống mới của Hàn Quốc Moon Jae-in- người thay thế vị trí của bà Park Geun-hye sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 9/5 vừa qua- đã cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các Chaebol, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nhỏ và chấm dứt xu hướng xử lý nhẹ tay đối với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn khi họ vi phạm luật pháp.

Bản án đối với Lee Jae-yong cũng được dự đoán sẽ ảnh hưởng tới bản án đối với vụ xét xử tham nhũng của bà Park, dự kiến sẽ đưa ra vào cuối năm nay, trong khi giới công tố cho rằng cả bà và ông Lee đều tham gia vào cùng một hành vi hối lộ.

Giới công tố cũng đã cáo buộc nhiều lãnh đạo chóp bu của Tập đoàn Samsung dính líu tới bê bối hối lộ, trong đó gồm Choi Gee-sung, người từng đứng đầu Văn phòng chiến lược tập đoàn - hay còn gọi là “Tháp kiểm soát”. Văn phòng này sau đó đã bị giải thể, trong khi ông Choi cũng từ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thái tử Samsung' bị tuyên án 5 năm tù giam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO