'Thái tử Samsung' thất thế

Linh Chi 26/02/2017 08:05

Việc người thừa kế Tập đoàn Samsung bị bắt giữ mới đây vì bê bối đưa hối lộ 40 triệu USD đã đánh dấu một chương đen tối nhất trong lịch sử của tập đoàn này. Ông Lee Jae-yong, người đáng lẽ phải sống trong căn hộ 4 triệu USD của mình, thì giờ đang phải một phòng giam riêng biệt và ngủ trên một chiếc đệm trải sàn.

Người biểu tình Hàn Quốc trước đó từng yêu cầu bắt giữ ông Lee.

Người thừa kế ăn cơm tù

Nghiêm trọng nhất trong số hàng loạt cáo buộc mà “Thái tử Samsung” Lee Jae-yong phải đối mặt chính là nghi án đưa hối lộ 40 triệu USD cho một người bạn thân của nữ Tổng thống Park Geun-hye để đổi lấy sự thuận lợi về mặt chính trị, dù bản thân ông này bác bỏ mọi cáo buộc.

Trước đó, một tòa án khu vực đã đưa ra bằng chứng cáo buộc để rồi ban hành lệnh bắt giữ đối với Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, người đứng đằng sau quản lý tập đoàn điện tử gia đình trị khổng lồ ở Hàn Quốc thay mặt cho người cha già đang bị bệnh của mình.

Ông Lee, thế hệ lãnh đạo thứ ba của Tập đoàn Samsung và là người nối dõi của gia đình giàu có nhất Hàn Quốc, hiện đang bị giam giữ trong một phòng giam chật hẹp gồm một khu vệ sinh chỉ cách một bức tường ngăn; theo truyền thông Hàn Quốc.

Người thừa kế 48 tuổi này không có buồng tắm riêng mà chỉ được sử dụng một vòi hoa sen, chỗ ngủ của ông là một tấm đệm trải trên sàn nhà. Ông Lee ở trong một buồng giam riêng biệt và không được phép tiếp xúc với các tù nhân khác; một quan chức thuộc Trung tâm Giam giữ Seoul, một cơ sở nằm ở ngoại ô thành phố thủ đô chuyên giam giữ các chính trị gia và người đứng đầu các công ty.

Các quản giáo trại giam không muốn ông Lee thảo luận về vụ bê bối của mình với những người có liên quan, bởi vậy ông bị giam tại một phòng riêng biệt. Bên cạnh đó là vì lý do an toàn. “Có nhiều quan ngại về việc tiêu hủy chứng cứ”; một quan chức cho hay, thêm rằng ông Lee không hề được đối đãi đặc biệt.

Lee Jae-yong, người đã ly dị vợ và nuôi hai người con, có khối lượng tài sản ròng lên tới 6,2 tỷ USD và thường sống tại một căn hộ sang trọng trị giá 4 triệu USD tại thủ đô Seoul. Tập đoàn Samsung mà ông đang lãnh đạo hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh, TV màn hình phẳng và vi mạch lớn nhất thế giới. Ông Lee cũng có quan hệ thân thiết với nhiều hình tượng của Thung lũng Silicon như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hay Tim Cook của Apple.

Tại trại giam, ông Lee chỉ được cho phép tiếp khách 30 phút/lượt thông qua lớp kính ngăn cách. Tuy nhiên, các tù nhân được phép gặp gỡ với các luật sư của họ trong khoảng thời gian không hạn chế.

Hàng ngày, ông Lee chỉ được phát cho các bữa ăn trị giá 1.443 Won (1,26 USD) gồm có cơm và các món ăn kèm đơn giản. Bất kỳ món ăn thêm nào đều phải mua tại cửa hàng cung cấp của trung tâm trại giam. Các bữa ăn được đưa qua một khe nhỏ dưới cửa buồng giam, ông Lee cũng được yêu cầu phải rửa bát đĩa sau khi dùng bữa xong.

Các bạn tù của ông Lee gồm có cả bà Choi Soon-sil, người bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, người cũng đang bị giam tại trung tâm này cùng một vị cưu Bộ trưởng Văn hóa và cựu cố vấn Tổng thống, những người dính líu tới vụ bê bối.

“Các tù nhân tại đây còn có thể nhận được kính và sách báo từ bên ngoài và được phép mua nhiều thứ khác tại cửa hàng bên trong trại giam, như đồ ăn vặt, cà phê, mỳ ăn liền, thuốc tẩy rửa, dao cạo, khăn tắm”- một người phục vụ tại quầy bán hàng trại giam này cho hay.

Giới công tố Hàn Quốc có khoảng 10 ngày để luận tội ông Lee, dù rằng họ có thể kéo dài thời hạn này. Sau khi luận tội, một tòa án sẽ phải đưa ra phán quyết đối với ông Lee trong vòng 3 tháng.

Lee Jae-yong, người thế kế tập đoàn Samsung hiện đang bị giam giữ để chờ bị kết án.

Đế chế Samsung giờ ra sao?

Tập đoàn Samsung hiện cũng đã thấm dần ảnh hưởng tiêu cực từ việc lãnh đạo của họ bị bắt giữ, khi hàng loạt các đơn vị của tập đoàn này bị mất điểm trên thị trường chứng khoán Seoul.

Ngay sau khi có lệnh bắt giữ ông Lee, cổ phiếu công ty Samsung Electronics đã giảm 0,4%, Samsung C&T giảm 2% và một đơn vị bảo hiểm quan trọng của họ, Samsung Life Insurance, giảm 1,4%.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng sự thật sẽ được phơi bày trong các phiên tòa tới”- một tuyên bố của Tập đoàn Samsung nêu rõ.

Lee Jae-yong, con trai của Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, đã từng nhiều lần bị giới công tố Hàn Quốc thẩm vấn vì có dính líu tới vụ bê bối gây chấn động quốc gia này. Ông bị coi là nghi phạm chính trong vụ bê bối nhưng lại tránh được một lệnh bắt giữ hồi tháng trước do tòa án cho rằng không có đủ bằng chứng.

Đến hồi tuần trước, giới công tố nước này tuyên bố họ đã thu thập đủ bằng chứng để có thể kêu gọi bắt giữ ông Lee. Sự việc đánh dấu lần đầu tiên một quan chức lãnh đạo chóp bu của tập đoàn Samsung bị bắt giữ và được dự kiến sẽ gây chấn động cho tập đoàn vốn đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của Hàn Quốc.

“Đây là một đòn chí mạng đối với hình ảnh của Samsung trong thời gian ngắn hạn”- nhà phân tích Greg Roh thuộc công ty đầu tư chứng khoán HMC, nhận định.

Ông Lee Seung-woo, thuộc công ty đầu tư chứng khoán IBK, nói rằng vụ bắt giữ ông Lee diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm khi mà Samsung đang cố gắng tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nên có khả năng sẽ buộc họ phải rút khỏi các kế hoạch đầu tư dài hạn ở nước ngoài – bao gồm các vụ mua lại và sáp nhập.

Trước đó thì công ty này đã chịu một đòn nặng khác liên quan tới việc thu hồi lại toàn bộ mẫu điện thoại Galaxy Note 7, và có nhiều báo cáo nói rằng Samsung có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ chính quyền các nước nếu như ông Lee bị kết án.

Trước kia, ông nội và cha của ông Lee cũng từng nhiều lần dính líu tới các vụ bê bối nhưng chưa từng bị bắt giữ bao giờ. Không may mắn như những người tiền nhiệm, ông Lee lại dính phải vụ bê bối chấn động mà tâm điểm là bà Choi Soon-sil, người bị cáo buộc lợi dụng quan hệ với Tổng thống để ép các công ty trong nước đóng góp khoảng tiền 70 triệu USD cho 2 tổ chức phi lợi nhuận mà bà làm chủ.

Thương vụ tranh cãi bị đưa ra ánh sáng

Tập đoàn Samsung bị phát hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho hai tổ chức của bà Choi. Nó còn bị cáo buộc hối lộ hàng triệu Euro cho bà Choi để bà này cho con gái tham dự một khóa huấn luyện cưỡi ngựa chuyên nghiệp ở Đức.

Một giám đốc điều hành khác của Samsung, hiện là Giám đốc Hiệp hội cưỡi ngựa Hàn Quốc, cũng bị giới công tố cáo buộc có dính líu tới vụ việc. Tuy nhiên phía tòa án đã bác yêu cầu bắt giữ người này vì chỉ có vai trò quá nhỏ trong vụ bê bối.

Ông Lee Jae-yong đã trở thành người điều hành Tập đoàn Samsung- tập đoàn gia đình trị, còn gọi là Chaebol, lớn nhất Hàn Quốc- kể từ sau khi cha ông bị một cơn đau tim trong năm 2014.

Ngoài bê bối hối lộ ra, thì giới công tố Hàn Quốc còn đang điều tra xem liệu Samsung có hối lộ tiền cho bà Choi để đảm bảo sự phê chuẩn từ nhà nước đối với một thương vụ sáp nhập 2 đơn vị của tập đoàn này hay không. Đây là thương vụ được xem như bước đi chủ chốt để đảm bảo tiến trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho ông Lee.

Thương vụ trên diễn ra trong năm 2015, trong đó sắp nhập Samsung C&T và Cheil Industries. Nó bị rất nhiều nhà đầu tư phản đối do lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu của đơn vị cũ. Thế nhưng thương vụ vẫn diễn ra suôn sẻ sau khi Quỹ Hưu trí Quốc gia – một cổ đông lớn của Samsung – phê chuẩn nó.

Samsung giành chiến thắng trong thương vụ trên nhờ sự ủng hộ từ Quỹ Hưu trí Quốc gia. Sau vụ sáp nhập, ông Lee đã trở thành cổ đông lớn của một đơn vị mới trong khi đã giành được lượng lớn cổ phiếu Samsung Electronics từ tay Samsung C&T. Được biết, nếu ông Lee muốn mua lại cổ phiếu của Samsung Electronics, ông sẽ phải chi ra nhiều tỷ USD, nhưng bằng cách sáp nhập hai công ty này, ông sẽ không phải chi ra một đồng nào cả.

Samsung là tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc và doanh thu của nó tương đương với khoảng 1/5 GDP Hàn Quốc. Vụ bắt giữ ông Lee được xem là một đòn nặng đối với Tổng thống Park, người đang phải đấu tranh trước Tòa án Hiến pháp về tiến trình luận tội của bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thái tử Samsung' thất thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO