Thảm họa khí độc ở Syria: Ít nhất 70 người thiệt mạng

Linh Chi 05/04/2017 19:05

Ít nhất 70 người thiệt mạng ở miền Bắc Syria sau khi phơi nhiễm một loại khí độc mà những người sống sót cho là được thả từ các phi cơ chiến đấu, một vụ tấn công khiến toàn thể cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án trong hôm 5/4.

Một người đàn ông mang theo một thi thể bé gái sau vụ tấn công bằng khí độc xảy ra tại Khan Sheikhun. (Nguồn: Reuters).

Có ít nhất 100 người hiện đang được điều trị tại các bệnh viện thuộc tỉnh Idlib của Syria, nơi xảy ra một vụ không kích trong hôm trước đó. Hàng chục nạn nhân khác cũng được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị, một số trong tình trạng nguy kịch.

Trong khi đó, hàng loạt nước gồm Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc chính phủ Syria đã gây nên thảm họa này, diễn ra chỉ vài giờ trước khi khởi động một hội thảo viện trợ cho Syria tổ chức ở Brussels, Bỉ.

Tổng thống Donald Trump đã lên án thảm họa trên là một hành động “tàn ác” và “không thể được thế giới văn minh cho qua”. Ông cũng cho rằng chính quyền cũ Barack Obama có phần trách nhiệm trong vụ việc, nói trong một tuyên bố rằng vụ tấn công “là hậu quả của sự yếu đuối và do dự của chính quyền cũ”.

Ở Anh, Thủ tướng Theresa May nói rằng bà cảm thấy sốc vì các báo cáo về vụ tấn công và kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) mở cuộc điều tra.

“Tôi nhấn mạnh rằng sẽ không có tương lai cho ông Assad trong một đất nước Syria ổn định, đại diện cho toàn thể người dân Syria. Và tôi kêu gọi các bên thứ ba có liên quan đảm bảo rằng chúng ta sẽ có một quá trình chuyển tiếp không có ông Assad” - bà May tuyên bố.

Tổ chức quan sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại London, nói rằng con số người chết trong vụ việc xảy ra tại Khan Sheikhoun là 72 người, trong đó gồm 20 trẻ em.

Về phần mình, quân đội Syria cho hay họ dứt khoát bác bỏ trách nhiệm trong vụ việc, trong khi Nga khẳng định rằng các máy bay của họ không hoạt động tại khu vực gần tỉnh Idlib. Trong sáng 5/4, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng một cuộc không kích ở Syria đã đánh trúng một “nhà kho của khủng bố” có chứa “nhiều độc chất” vốn để chuyển cho các chiến binh của chúng tại Iraq.

Chỉ vài giờ sau vụ việc, một bệnh viện chuyên tiếp nhận những người bị thương cũng bị tấn công. Một số hình ảnh bên trong bệnh viện này cho thấy có một vụ nổ đã xảy ra. Một số đoạn video cùng ảnh chụp hiện trường và tại khu vực sơ tán sau đó cho thấy hàng dài trẻ em đang đi lại thất thần.

Tổ chức Save The Children cho hay có ít nhất 11 trẻ em bị thiệt mạng do vụ tấn công khí độc.

Vụ tấn công xảy ra trong hôm 4/4 nhằm vào khu vực Khan Sheikhun, nơi có hàng nghìn người tị nạn đến từ tỉnh lân cận Hama sau khi tháo chạy khỏi chiến sự. Thị trấn này còn nằm trên tuyến đường giữa Hama và Idlib và được cho là tuyến đường huyết mạch đối với bất kỳ chiến dịch tấn công nào của chính phủ Syria nhằm vào thành phố Idlib ở phía Bắc.

“Trong vụ tấn công mới nhất này, hàng chục trẻ em đã bị ngạt cho đến chết trong lúc chúng đang ngủ” - Ahmad Tarakji, người đứng đầu tổ chức y tế Syria-Mỹ chuyên hỗ trợ các bệnh viện tại các vùng mà phe nổi dậy kiểm soát ở Syria, nói - “Thế giới sẽ còn thất bại đến bao giờ trong việc phản ứng trước những tội ác kiểu này?”.

Vụ tấn công hôm 4/4 cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ không đặt việc lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên làm ưu tiên hàng đầu nữa, và rằng người dân Syria cuối cùng sẽ tự quyết định số phận của họ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong hôm đầu tuần, xác nhận về sự thay đổi chính sách của Mỹ từng được áp dụng dưới thời Tổng thống Obama.

Hội đồng Bảo an LHQ cho hay họ sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn trong hôm 5/4 để thảo luận về vụ tấn công này, sau khi nhận được yêu cầu từ Anh và Pháp.

Được biết, chỉ có ít bệnh viện ở tỉnh Idlib có khả năng điều trị các triệu chứng của các vụ tấn công bằng chất độc hóa học, do cơ sở của họ bị tàn phá bởi các trận không kích và cũng thiếu các bình dưỡng khí để điều trị cho các nạn nhân.

Idlib là một trong những thành trì cuối cùng mà phe nổi dậy còn kiểm soát ở Syria, và luôn là mục tiêu của vô số đợt không kích bất chấp một lệnh ngừng bắn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy để dọn đường cho các vòng đàm phán chính trị.

Hiện quân đội chính phủ Syria đang giành lại được nhiều phần lãnh thổ của các phe phái nổi dậy, trong đó có toàn bộ thành phố Aleppo, tỏng những tháng gần đây. Có được đà tiến này là nhờ sự hỗ trợ của Nga, các lực lượng dân quân người Shi’ite được Iran hậu thuẫn và cũng do chính quyền Mỹ thời gian gần đây giảm mạnh hỗ trợ phe nổi dậy ở nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm họa khí độc ở Syria: Ít nhất 70 người thiệt mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO