Tham nhũng vặt, tác hại lớn

Hữu Nguyên 28/09/2016 06:37

Bên cạnh các “đại án tham nhũng” đang được xét xử công khai làm nức lòng dư luận, hiện tượng “tham nhũng vặt” ngày càng trở nên phổ biến nhưng ít được xem xét xử lý tới nơi tới chốn cũng đang là một nguy cơ tác động xấu tới sự ổn định xã hội. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây cũng lưu ý tới việc người dân ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng, bên cạnh đó còn phổ biến tâm lý thờ ơ với biểu hiện tiêu cực ngay ở đội ngũ cán bộ, công chức.

Tham nhũng vặt, tác hại lớn

Ảnh minh họa.

Tham nhũng là một nguy cơ gây bất ổn xã hội và đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống tham nhũng từ lâu nay giới chức trách cũng như phần lớn người dân thường quan tâm tới các vụ “đại án tham nhũng”. Tham nhũng lớn đương nhiên sẽ gây tác hại lớn cho lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước.

Thế nhưng để phát hiện và đấu tranh với các vụ tham nhũng lớn lại là một vấn đề rất phức tạp. Vì tham nhũng lớn thường kéo theo hàng loạt mối quan hệ phức tạp, không loại trừ có những thế lực ngấm ngầm bao che và làm chệch hướng điều tra, phát hiện vụ việc. Không ít vụ tham nhũng lớn khi phát hiện thì rầm rộ nhưng quá trình xử lý thì lại ngày càng đi dần vào im lặng và kết quả như dân gian vẫn thường gọi là “đánh trống bỏ dùi”.

Trong khi đó, “tham nhũng vặt” lại được xem như là những mối quan hệ bình thường, trở thành thói quen và tập quán giao dịch trong xã hội. Ngày nay không ai còn xa lạ với cái gọi là “văn hóa phong bì” để gọi tên hiện tượng “lót tay” đang diễn ra hầu như ở khắp mọi nơi, khi người dân cần thực hiện những thủ tục hành chính hay giao dịch liên quan tới dịch vụ công.

Các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua đều cho thấy người dân và xã hội đang ngày càng gia tăng sức chịu đựng với tham nhũng, trong đó phần lớn là tham nhũng vặt. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó cho dân trong các giao dịch công ngày càng trở nên phổ biến, đang tạo ra nhiều bức xúc.

Trên thực tế ở một số ngành, địa phương đã xảy ra chuyện cán bộ tự ý đặt thêm thủ tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, vấn nạn này đã được các đại biểu nhiều lần đặt ra tại Quốc hội. Song, trong các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của nhiều ngành và địa phương hàng năm vẫn luôn ghi nhận một nội dung gây tranh cãi là chưa phát hiện ra vụ tham nhũng nào. Do không có sự cải thiện đáng kể nào trong việc ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hiện tượng tham nhũng vặt, nên người dân ngày càng mặc nhiên phải chấp nhận và trở thành thói quen, tập quán trong giao dịch xã hội.

Tham nhũng vặt do đó còn được so sánh với thực phẩm bẩn đang len lỏi, luồn lách vào tận hang cùng ngõ hẻm, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội và ngấm ngầm gây nên những hậu quả khôn lường. Tham nhũng vặt đang ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức trong xã hội, mang tính phổ quát, thành một thứ “tập quán” xấu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đáng buồn là người ta vẫn nhởn nhơ, thờ ơ với sự có mặt của tham nhũng vặt. Vì thoạt nhìn thì nó không làm hại ngay, thậm chí còn có lợi cho công việc do tính chất “bôi trơn” của nó. Không ít doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng “chi trả” cho tham nhũng vặt để được việc hơn là phải nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Các chuyên gia từ lâu cũng đã cảnh báo, tham nhũng vặt nhưng hậu quả thì rất lớn, thậm chí rất khó lường. Mỗi lần vấp phải sự nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước, người dân lại thò chiếc phong bì ra như một thói quen.

Do buộc phải chấp nhận, nên nỗi bức xúc sẽ dần tích tụ lại qua nhiều năm tháng. Đó chính là mầm mống gây ra sự bất ổn trong đời sống xã hội, khi người dân dần mất niềm tin vào bộ máy công quyền.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây làm việc với TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính.

Xét về tính phát triển của xã hội thì tham nhũng vặt hiện đang cản trở quản trị hành chính công theo hướng hiện đại. Theo nhiều chuyên gia thì việc không kiểm soát, ngăn chặn được tham nhũng vặt sẽ khiến nước ta không thể vượt ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.

Nhức nhối nhất hiện nay là hiện tượng lợi dụng tình trạng quen thân hoặc dùng tiền để đưa con cháu vào công chức làm việc. Vô hình trung, tình trạng này đang tạo ra một bộ máy công quyền có xu hướng “tham nhũng vặt”.

Tức là chúng ta đang dùng một nguồn để tạo ra công chức một cách không lành mạnh, nguồn công chức đó sẽ tác động không lành mạnh trở lại với cả bộ máy. Hiện tượng đó không có gì lạ, vì nói theo kiểu dân dã, có đầu tư thì phải có thu hồi vốn, rồi còn phải sinh lãi mẹ lãi con nữa!

Muốn ngăn chặn hiện tượng này không chỉ ra sức kêu gọi tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ mà còn cần phải quay lại vấn đề cốt lõi là xây dựng một nền quản trị hiệu quả, không còn cơ chế sinh ra “tham nhũng vặt”.

Nền hành chính đó ngoài việc phải được vận hành trên các nguyên tắc khoa học quản trị còn phải được đo lường, giám sát thường xuyên bằng các chỉ số đánh giá năng lực, chất lượng hướng tới mục tiêu phục vụ dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Đang tồn tại một thực tế là hầu hết các ngành và địa phương hiện nay có tâm lý lo sợ bị tụt hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) sẽ ảnh hướng xấu tới việc thu hút đầu tư, mất điểm với các doanh nghiệp. Thế nhưng, lại khá thờ ơ với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Điều này cho thấy, ý kiến của người dân hiện ít được để ý hơn là thái độ của nhà đầu tư mang lại lợi ích trực tiếp. Điều này cũng chứng tỏ chính quyền vẫn còn chưa “sợ” dân hay nói cách khác là dân chưa thực sự giữ vai trò “quan trọng” đối với chính quyền nhiều địa phương.

Tham nhũng vặt, do vậy cũng sẽ còn dư địa màu mỡ để phát triển một khi nền hành chính chưa thiết kế được các công cụ quản trị công khai, minh bạch để ý kiến của dân thực sự được coi trọng, có tác động tích cực tới việc tổ chức và vận hành guồng máy hành chính công.

Đồng thời cho thấy người dân cũng chưa thực sự tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, do chưa nhìn thấy hiệu quả trực tiếp và bản thân người dân khi tham gia tố cáo, phát hiện, phòng chống tham nhũng cũng chưa được tạo điều kiện hay được bảo vệ một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham nhũng vặt, tác hại lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO