‘Thần dược’ đâu mà nhiều thế…

Đức Trân 22/03/2021 08:00

Thông tin từ BV Sản Nhi Bắc Giang cho biết, cháu bé (9 tháng tuổi, ở Bắc Giang) bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân nhưng gia đình chủ quan không đưa tới bệnh viện điều trị mà đắp thuốc của một bà lang ở gần nhà. Sau đó, diễn biến xấu nhanh, sốc nhiễm khuẩn nặng, ngừng tuần hoàn và tử vong trên đường chuyển tuyến lên BV Nhi trung ương.

Trường hợp nói trên không phải là hiếm, bởi sự tin tưởng tới khó hiểu của người bệnh đối với những ông lang, hay những phương pháp chữa bệnh được đồn thổi trở thành “thần y”.

Ngày 20/3, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, đơn vị tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận, mạch rời rạc, nguy cơ ngừng tim.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, nhiều người bệnh chưa được sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị nhưng đã dừng lại để sử dụng thuốc nam. Một số người lại tự ý bỏ thuốc, khiến bệnh nặng hơn. “Việc tự ý điều trị bằng những bài thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc tự ý bỏ điều trị là rất nguy hiểm”, BS Cấp nói.

Có một thực tế cần hết sức cảnh giác đó là cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc quảng cáo thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, các kênh thông tin ngày càng tràn lan, nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tin của người bệnh để kiếm lời. Đặc biệt, nhiều quảng cáo còn sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các chuyên gia nổi tiếng để cắt ghép vào video quảng cáo, khiến nhiều người bệnh hiểu nhầm.

Nói như ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền thì bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên bằng chứng, khoa học; các bài thuốc y học cổ truyền cũng phải xây dựng và phát triển dựa trên yêu cầu này.

Vì thế, các quảng cáo thuốc y học cổ truyền, nhất là thuốc gia truyền dễ dàng xuất hiện trên mạng với những lời quảng cáo “có cánh” như “điều trị tận gốc, an toàn, cam kết chữa khỏi 100%”... thì người bệnh phải đặc biệt lưu ý, vì không thể có nhiều “thần dược” đến như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Thần dược’ đâu mà nhiều thế…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO