Thận trọng khi sáp nhập sở, ngành

Nguyên Khánh 30/01/2020 07:20

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Tính đến ngày 6/1/2020 đã có 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm việc sáp nhập, hợp nhất một số sở, ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. Việc sáp nhập các sở ngành sẽ được làm một cách thận trọng, tránh những sự xáo trộn không đáng có.

Thận trọng khi sáp nhập sở, ngành

Cán bộ Trung tâm Hành chính công thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính. Nguồn: Quangninh Online.

Thí điểm 20% ở cấp tỉnh

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hiện một số địa phương đã gửi đăng ký về việc sáp nhập sở ngành tại địa phương mình. Cụ thể, đối với cấp tỉnh, Quảng Ninh và Yên Bái đăng ký thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đắk Nông đăng ký hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra; Yên Bái và Đắk Nông đăng ký hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng. Một số tỉnh đã thực hiện hợp nhất như Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng; Bạc Liêu hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học - Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo; Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra.

Đối với cấp huyện, tỉnh Ninh Bình đăng ký hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND, thực hiện tại 1 huyện của tỉnh. Tỉnh Tiền Giang đăng ký hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ, thực hiện tại 6 huyện; Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện, thực hiện tại 4 huyện.

Đến nay, việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND đã thực hiện xong tại 35 huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Điện Biên, Nam Định, Yên Bái, Hải Phòng, Trà Vinh, Hải Dương, Bình Phước, Hà Nam, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Yên, Thái Bình, Hà Giang. Hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ được triển khai tại 32 huyện thuộc 6 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Điện Biên, Nam Định, Yên Bái, Hải Phòng, Hà Giang. Hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện tại 30 huyện thuộc 4 tỉnh: Quảng Ninh, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang.

Lạng Sơn và Sơn La sáp nhập Phòng Dân tộc với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tại 4 huyện. Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La sáp nhập Phòng Y tế với Văn phòng HĐND và UBND tại 14 huyện. Bắc Kạn, Quảng Ninh sáp nhập Phòng Dân tộc với Văn phòng HĐND và UBND tại 5 huyện.

“Đối với tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản trình Bộ Chính trị xin chủ trương một lần nữa để Chính phủ sớm ban hành 2 nghị định sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP và 37/2014/NĐ-CP (về khung cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện). Tinh thần là chỉ sửa đổi, bổ sung, một số điều của hai Nghị định, tức là đưa ra khung số lượng cấp phó các đơn vị, về tiêu chí thành lập đối với các sở đặc thù, tiêu chí thành lập đối với các phòng bên trong sở” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Đối với việc sắp xếp thí điểm hợp nhất giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan chuyên môn của Nhà nước cũng như việc sáp nhập 3 văn phòng, việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục gửi văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký để trình Chính phủ xây dựng nghị quyết, chọn tối thiểu 20% đơn vị hành chính của cấp tỉnh thực hiện thí điểm. Tinh thần chung là phải làm hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Thời gian qua, Chính phủ chậm ban hành sửa đổi, bổ sung hai nghị định này là vì Thủ tướng và Chính phủ hết sức thận trọng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm, đồng thời khẳng định, làm thí điểm nhưng phải đảm bảo khả năng thành công khoảng 80%.

Thận trọng, không dập khuôn

Góp ý kiến vào vấn đề sáp nhập các sở, ông Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: Trong việc bố trí các sở, ngành (cấp tỉnh) và phòng, ban (cấp huyện), phải xem xét tới đặc thù của mỗi vùng, miền chứ không phải giao cho từng tỉnh, thành quyết định. Phân tích rõ hơn, ông Hòa cho rằng, trong vùng miền phải không có sự chênh lệch, nếu chênh lệch thì nhiều lắm cũng chỉ 2 đến 3 sở chứ không thể để mỗi nơi có sự tùy tiện khác nhau.

Ủng hộ chủ trương sáp nhập sở, ngành để gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng vấn đề này cần được làm thận trọng, khách quan - nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường nói. Theo ông Cường thời gian qua, việc hợp nhất các cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau là đúng nhưng vừa qua một số nơi lại đưa ra các ví dụ không tương đồng. Như việc nhập cơ quan tổ chức của cấp ủy vào cơ quan Nội vụ gọi là cơ quan tổ chức nội vụ, nhìn chung nhân sự và chức năng nhiệm vụ vẫn thế chỉ bớt đi được 1 lãnh đạo. Nhưng vấn đề là cơ quan này là cơ quan tham mưu của Đảng hay cơ quan chuyên môn của UBND là thì chưa trả lời được. Vì vậy, sau một thời gian thí điểm sáp nhập đã phải tạm dừng. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và làm một cách khoa học, tránh trường hợp nhập rồi nhưng không hiệu quả rồi lại tách sẽ gây ra những xáo trộn không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thận trọng khi sáp nhập sở, ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO