Thắng lợi của tinh thần đoàn kết

Hoàng Mai 19/12/2016 09:10

Ngày này cách đây đúng 70 năm, ngày 19/12/1946, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường đấu tranh giữ vững độc lập tự do. Ngày Toàn quốc kháng chiến của 70 năm về trước đã cho thấy khát khao cháy bỏng của người dân Việt Nam, những con người bình dị mà anh hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Thời điểm của 70 năm trước là hết sức ngặt nghèo khi nước Việt Nam non trẻ vừa thành lập ít lâu đứng trước thế thù trong, giặc ngoài, “ngàn cân treo sợi tóc”.

70 năm là 2/3 thế kỷ, nhìn lại ngày Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với những bài học của 70 năm trước, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, tuy sự kiện lịch sử trọng đại này đã lùi xa, song ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

70 năm với một ngày lịch sử đã cho người ta thấy cả một giai đoạn hào hùng của dân tộc; cho thấy không chỉ bài học về ý chí sắt đá; tinh thần yêu nước vô hạn mà còn cho thấy những bài học về nghệ thuật ngoại giao và trên hết là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, muôn người như một cùng nhau hướng về một mục tiêu chung, mục tiêu cao nhất. Đó là, quyết giữ cho được nền độc lập non trẻ của quốc gia; giữ cho được non sông gấm vóc tươi đẹp.

Nhìn lại thời khắc lịch sử ấy có thể thấy, ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn tích cực kiếm tìm những giải pháp ngoại giao. Trước là để thêm bạn bớt thù. Sau là để vãn hồi hòa bình và tạo điều kiện sớm đưa Việt Nam hòa bình đi đến ổn định về chính trị, củng cố về kinh tế và xã hội. Mong muốn là thế nhưng không phải lúc nào mong muốn ấy cũng được thực hiện, khi mà thực dân không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược trên những vùng đất; những quốc gia mà chế độ thực dân đang thống trị lúc ấy.

Nói như PGS.TS Hồ Khang (Viện Lịch sử quân sự) tại một hội thảo về ý nghĩa và bài học của Toàn quốc kháng chiến cách đây không lâu thì, cơ hội lịch sử thiết lập những quan hệ hợp tác bình đẳng giữa Pháp và Việt Nam đã bị chính Chính phủ Pháp khi ấy bỏ qua. Và, “cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ ở những năm tháng đó có giá trị thức tỉnh và soi rọi cho không chỉ cho những ngày đã qua mà còn cho hiện tại nóng bỏng hôm nay, khi những thách thức và cơ hội, những khả năng hợp tác, đấu tranh luôn thường trực và đan xen nhau. Nó nhắc nhở ta nhìn về lịch sử để càng thêm trân quý hòa bình”- PGS.TS Hồ Khang nhận định.

Diễn trình của lịch sử với một quá trình gây hấn của chính quyền Pháp ở Đông Dương khi ấy không khiến cho những con người Việt Nam chân chất hiền lành nhụt ý chí đấu tranh; không thể khiến cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn chùn bước trước những khó khăn gian khổ. Quân đội của thực dân Pháp ngày ấy đã không thể hình dung thế nào là ý chí của người Việt và càng không hiểu vì sao người Việt khát khao hòa bình đến như vậy.

Người cựu binh năm xưa nay đã 86 tuổi, cụ Nguyễn Huy Du rưng rưng kể lại: “Hàng năm cứ vào dịp cuối năm, tôi không thể quên mùa đông 1946, mùa đông rét mướt, ác nghiệt, mùa đông có nhiều thử thách hiểm nghèo như trong thế ngàn cân treo sợi tóc, buộc quân và dân ta phải cầm súng bảo vệ chính quyền vừa mới giành được. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền”.

Đúng 8 giờ 3 phút tối ngày 19/12/1946, đèn điện phụt tắt, những quả đại bác đầu tiên ở Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh… nã vào thành Hà Nội, bắt đầu một thời kỳ mới trong cuộc chiến tranh cách mạng trường kỳ để mãi 9 năm sau những người con ưu tú ấy mới trở lại Thủ đô yêu dấu trong khúc khải hoàn ca.

Nhìn lại thời điếm ấy, có thể thấy rõ, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân Pháp là không hề tương xứng. Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà ngày 19/12/1946 là một dấu mốc, vào thời điểm ấy, thực dân Pháp đã được trang bị vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ nhưng đã không thể tiêu diệt được quân chủ lực của ta, mà còn phải trả một giá đắt mới chiếm được một số ít thành phố.

Sau này, khi nhìn lại cuộc chiến, nhiều chuyên gia quân sự, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là bởi, chúng ta đã thành công với chiến lược chiến tranh du kích và sự phát triển của lực lượng vũ trang ba thứ quân. Sống trong dân, hình thành trong dân, được nhân dân che chở và đùm bọc nên những người lính chính quy và du kích quân Việt Nam đã có được một hậu phương vững chắc nâng bước trên từng chặng đường của cuộc chiến đấu. Chiến tranh càng kéo dài, địch càng gặp nhiều khó khăn. Bởi, sống trong lòng dân, trong lòng của Mẹ Tổ quốc là những con người quả cảm, không sợ khó khăn gian khổ và những còn người ấy lại một lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên một sức mạnh vô địch.

Tinh thần đoàn kết, kiên trì và kiên quyết ấy đã cho Chính phủ Pháp và quân đội viễn chinh Pháp một bài học đắt giá. Họ có lẽ sẽ không bao giờ lý giải nổi một dân tộc mới khai sinh chưa có nhiều kinh nghiệm trên chính trường quốc tế; một dân tộc còn ít được biết đến và ít bè bạn vào thời điểm năm 1946 lại có thể trụ vững và đi qua cuộc chiến với một tâm thế của những con người chiến thắng. Đây có lẽ chính là thắng lợi lớn nhất của chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trong chiến tranh chống Mỹ sau này.

Bài học về tinh thần đoàn kết chưa bao giờ là cũ dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào. Chỉ khi đoàn kết chúng ta mới dễ dàng vượt qua khó khăn, gian khổ; vượt qua những thác ghềnh để gặp hái thành công; để chinh phục những đích đến mới. 70 năm trước, toàn dân theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên chống giặc ngoại xâm muốn đô hộ đất nước ta một lần nữa. Hôm nay, với tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, Toàn quốc kháng chiến, Điện Biên Phủ, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước kéo dài 21 năm...,- với tinh thần ấy cả nước vững vàng bước vào công cuộc dựng xây, quyết tâm chống tham nhũng như một “quốc nạn”. Để đất nước sớm “bước tới dài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng trông đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắng lợi của tinh thần đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO