Thành công đến từ tiêm chủng mở rộng

Đức Trân 28/01/2021 06:30

Với những tín hiệu lạc quan trong công tác nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 mang tên Nano Covax và Covivac, Việt Nam đã khẳng định vị thế trong bản đồ vaccine thế giới. Đồng thời, với những kinh nghiệm và thành công đạt được của Dự án tiêm chủng mở rộng, chúng ta có thể tin tưởng vào công tác phân phối vaccine.

Tiêm chủng mở rộng là thành tựu của y tế Việt Nam.

Nâng công suất sản xuất vaccine ngừa Covid-19

Hiện, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau là Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo; Viện vaccine và Sinh phẩm Nha Trang (Ivac) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do Ivac đang sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa); Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus sởi (Polyvac đang là nhà sản xuất vaccine sởi).

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của Vabiotech, Ivac, Nanogen cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và có sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2. Đồng thời, Nanogen đã bước đi được nửa chặng đường của giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người.

Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, Ivac có thể sản xuất với quy mô 6 triệu liều/năm có thể nâng lên 30 triệu liều/năm, Nanogen có thể sản xuất với quy mô 20 triệu liều/năm, có thể nâng lên 100 triệu liều/năm. Công nghệ sử dụng giá thể vector virus để sản xuất vaccine mà Vabiotech và Polyvac đang sử dụng cho phép có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn.

Mặc dù năm 2020 là năm ghi nhận ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với công tác tiêm chủng, vào tháng 4/2020, tất cả các trạm y tế xã/phường trên toàn quốc đã phải tạm ngừng tổ chức tiêm chủng do ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ tiêm, uống vaccine trong các tháng đầu năm thấp hơn so với tiến độ dự kiến.

Công tác tiêm chủng tại một số tỉnh/ thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội trong quí II - III/2020. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tâm lý e ngại lây nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch khiến phụ huynh không cho trẻ đi tiêm chủng ngay, nhiều trẻ bị tiêm chủng chậm lịch.

Tiêm chủng để phòng chống dịch

Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, thống kê từ Dự án tiêm chủng mở rộng, đã có tới 1.398.653 trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine. Dự kiến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi năm 2020 đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại trong năm 2020 và là năm thứ 20 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt. Đây cũng là năm thứ 15 Việt Nam duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.

Trên cả nước không địa phương nào ghi nhận dịch sởi, Rubella. Số trường hợp mắc sởi trong 11 tháng năm 2020 (1.136 ca) giảm mạnh so với năm 2019 (14.156 ca), số mắc Rubella thấp (46 ca), góp phần quan trọng khống chế hội chứng Rubella bẩm sinh, căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế về tiêm vaccine chống dịch bệnh bạch hầu (DTP, Td) và tiêm vét vaccine 5 trong 1 cho hơn 4 triệu đối tượng ở tất cả các lứa tuổi thuộc 4/4 tỉnh khu vực Tây Nguyên (các huyện có ổ dịch bạch hầu được ưu tiên triển khai trước), đến nay, đã có trên 500.000 đối tượng được tiêm 2 liều vaccine Td. Do vậy, dịch bạch hầu cơ bản được khống chế, không ghi nhận ca mắc mới trong hơn 1 tháng vừa qua.

Trong các năm từ 2018-2020, Dự án TCMR đã nỗ lực huy động nguồn viện trợ để trang bị hệ thống tủ lạnh chuyên dụng tiên tiến nhất để bảo quản vaccine trên toàn quốc. Đây là hoạt động ưu tiên của dự án trong bối cảnh các tỉnh/thành phố sẽ phải chủ động hơn nữa trong việc huy động đầu tư để chi trả cho kinh phí triển khai tiêm chủng và mua bơm kim tiêm, hộp an toàn từ nguồn địa phương từ năm 2021.

Tủ lạnh TC4000AC được ngành y tế tiếp nhận là loại tủ lạnh chuyên dụng thế hệ mới nhất có dung tích 240 lít nước được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Đây là loại tủ lạnh phòng chống đông băng tốt nhất, năng lượng tiêu thụ rất thấp, giữ nhiệt độ của tủ ở dưới +8 độ C ngay cả khi điện chỉ được cung cấp 8 giờ/ ngày đặc biệt phù hợp với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thời gian duy trì nhiệt độ lạnh của tủ lên đến 77 giờ ở nhiệt độ môi trường (+43 độ C).

Dự án TCMR đã tiếp nhận 340 tủ TCW4000AC từ nguồn hỗ trợ của GAVI và 250 tủ mua đối ứng từ ngân sách nhà nước. Số 590 tủ này đã được vận chuyển, lắp đặt, hướng dẫn vận hành cho các tỉnh/thành phố và một số huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành công đến từ tiêm chủng mở rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO