Thành công từ những mô hình điểm

Trần Duy Hưng (thực hiện) 01/07/2015 07:47

“Nguy cơ, tác hại của ô nhiễm môi trường ai cũng đã thấy rõ. Vấn đề là làm sao chuyển biến được nhận thức thành những hành vi cụ thể” - bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Thái Bình chia sẻ khi trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề phát huy vai trò của MTTQ các cấp, nhất là MTTQ cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào nhiệm vụ cấp bách này…

Bà Nguyễn Thị Hoa

PV: Qua theo dõi, giám sát, MTTQ tỉnh nhìn nhận, đánh giá thực trạng môi trường, nhất là môi trường ở địa bàn khu dân cư trong tỉnh Thái Bình hiện nay ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoa: Những năm gần đây, công nghiệp và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Thái Bình. Nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung lớn đã và đang được thành lập, hoạt động. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 700 trang trại, 162 làng nghề đang sản xuất, phát triển mạnh, tạo nên bức tranh sinh động về phát triển KT-XH của địa phương…

Tuy nhiên, đi liền với những thành tựu phát triển kinh tế là những hệ lụy xã hội, nhất là ô nhiễm môi trường. Thực tế là, hầu hết các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại trong tỉnh đang bị ô nhiễm ở các cấp độ khác nhau. Trong khi đó, công tác quy hoạch, xử lý nước, rác thải còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Nhiều xã trong tỉnh đã có bãi chứa rác thải xong quy mô còn nhỏ, rác mới chỉ được tập kết, chưa được phân loại, xử lý. Việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón trong sản xuất nông nghiệp cũng đang ngày càng gia tăng dẫn đến những hệ lụy về môi trường nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Trong khi đó, hoạt động giám sát việc thực thi các chính sách, luật pháp, áp dụng các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường hiệu quả còn thấp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối ở địa phương; đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan phải có giải pháp, kế hoạch giải quyết, trong đó không thể thiếu vai trò, sự tham tích cực của các tầng lớp nhân dân…

Với vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, MTTQ các cấp ở Thái Bình đã và đang làm gì để người dân trong tỉnh ngày càng có nhiều việc làm thiết thực bảo vệ môi trường sống của mình, thưa bà?

- Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, xuất phát từ thực tế cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) những năm qua MTTQ tỉnh luôn quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến môi trường; bám sát chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời bám sát, chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, qua đó chủ động xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch cụ thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT; triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở…

Rác thải ở nông thôn-cần nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý

Trong đó, chúng tôi thực hiện lồng ghép tuyên truyền thực hiện các nội dung BVMT với việc thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đưa nội dung này vào bình xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp hằng năm. Đặc biệt, MTTQ tỉnh đã lựa chọn, xây dựng 2 mô hình điểm vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” (tại thôn Đồng Vi, xã Đông La-Đông Hưng và thôn Hưng Đạo, xã Bình Định, huyện Kiến Xương); chọn 10 xã thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh để chỉ đạo điểm chung về thực hiện chương trình phối hợp gắn với CVĐ 04…

Tại các mô hình điểm này, chúng tôi nhận thấy với vai trò chủ trì, Ban CTMT, Chi bộ Đảng ở các nơi này đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: xây dựng nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo công tác BVMT. Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng môi trường trên địa bàn, những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân liên quan đến môi trường. Có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT, như tổ chức cho các tổ dân cư, gia đình, dòng họ ký cam kết; kẻ vẽ bảng hiệu, pano tuyên truyền; kiện toàn, củng cố các Tổ tự quản BVMT ở khu dân cư; vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ các Tổ tự quản BVMT cả về vật chất và tinh thần, qua đó tạo chuyển biến tích cực về môi trường trên địa bàn…

Từ kinh nghiệm, hiệu quả thu được từ các mô hình điểm, thời gian qua chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này ở 6 địa phương khác trong tỉnh. Cũng xin nói thêm, đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã có 1553 tổ tự quản BVMT ở 233/286 xã, phường, thị trấn…

Từ thực tế chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện công tác vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia BVMT, theo bà còn những tồn tại, hạn chế, bất cập gì cần giải quyết, tháo gỡ?

- Bên cạnh những kết quả tích cực, chúng tôi nhận thấy có một thực tế, việc quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là chưa sâu rộng tới người dân. Một số nơi trong tỉnh cấp ủy, chính quyền cơ sở còn xem nhẹ việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác môi trường. MTTQ ở một số nơi cũng còn thụ động trong công tác này, chưa có kế hoạch cụ thể. Kinh phí phục vụ cho việc triển khai của hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở rất hạn hẹp, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ông Bùi Phó Đoàn-Bí thư chi bộ, Trưởng Ban CTMT thôn Đồng Vi, xã Đông La (huyện Đông Hưng):
Có bãi chứa rác nhưng không có lò đốt rác

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương thực hiện tốt việc BVMT, chúng tôi đề nghị cấp trên giúp đỡ, trang bị cho Ban CTMT tài liệu tuyên truyền; hướng dẫn phân loại rác để vừa dễ xử lý vừa có thể tái sử dụng. Hiện nay địa phương chúng tôi đã có bãi chứa rác thải nhưng mới chỉ vận hành theo cách rác được thu gom, tập trung về đây, chưa có biện pháp phân loại, xử lý. Mong muốn của người dân chúng tôi là được cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng lò đốt rác, có như vậy mới giải quyết triệt để được vấn đề rác thải ở khu dân cư…

Ông Bùi Văn Bính, Trưởng Ban CTMT thôn Hưng Đạo, xã Bình Định (huyện Kiến Xương):
Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền

Theo tôi, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc BVMT. Từ thực tế ở địa phương tôi nhận thấy việc này chưa được thường xuyên, liên tục; sự vào cuộc của các chi hội, đoàn thể chưa đồng đều; nhận thức, ý thức của một bộ phận nhân dân về trách nhiệm tham gia BVMT chưa cao. Trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi đề nghị các cấp quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các Ban CTMT ở khu dân cư, qua đó giúp chúng tôi triển khai thêm được các hoạt động tuyên truyền, vận động, nhất là để khen thưởng, động viên cho các cá nhân, tập thể có những việc làm cụ thể, thiết thực BVMT…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành công từ những mô hình điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO