Thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn quy hoạch cán bộ

Lê Anh 17/07/2017 08:05

Cuối tuần qua, Thành ủy TP HCM tổ chức Hội thảo chuyên gia về nội dung chương trình và hình thức đào tạo cán bộ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ của thành phố.

Tại hội thảo, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ đã có những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo cán bộ lãnh đạo nguồn cho TP. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM, đến nay chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ của TP đã có được 1.524 người tham gia, riêng chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã đào tạo được 87 tiến sĩ, 755 thạc sĩ.

Các chương trình này được khởi nguồn từ chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn và Chương trình đào tạo 300 và 500 thạc sĩ, tiến sĩ nhằm mục tiêu tuyển chọn, đào tạo sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức trẻ có triển vọng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bổ sung đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tại TP. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP, các chương trình đã tạo được những “hạt giống” quý để bổ sung đáng kể cho đội ngũ cán bộ của TP.

Ông Đua góp ý, TP. cần làm tốt hơn việc phát hiện, tiến cử cán bộ vào chương trình đào tạo, tạo nhận thức sâu sắc, đúng đắn của các cấp ủy Đảng, bồi dưỡng động cơ đúng đắn cho ứng viên tham gia chương trình. Còn bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP nói, cần phải bắt đầu từ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân liên quan được xác định qua các chính sách, chiến lược, kế hoạch, dự báo nguồn lực dài hạn để tính toán chiến lược dài hạn của thành phố. Bà Thảo cũng đề nghị, giảm tối đa, tiến tới không đào tạo thạc sĩ, chỉ đào tạo tiến sĩ là những chuyên gia đầu ngành. Cần có chính sách khuyến khích, thu hút người giỏi mà xã hội tự đào tạo đối với những ngành mà TP đang cần.

Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định, chủ trương này là hết sức đúng đắn, sáng tạo, đi đầu cả nước của Đảng bộ TP HCM qua nhiều nhiệm kỳ, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ, lãnh đạo kế cận. Tuy nhiên, ông Hải cũng yêu cầu, ngoài kết quả tích cực thì các chương trình cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, tồn tại, do đó cần có giải pháp khắc phục.

Ông Lê Thanh Hải gợi ý, việc huy động nguồn lực tài chính qua xã hội hóa và chọn lọc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho phù hợp với yêu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài. Chẳng hạn, khi đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng vừa đào tạo trong nước, vừa gửi ra nước ngoài đào tạo thì TP nên chú trọng đào tạo đội ngũ về khoa học, công nghệ. Đây chính là sự chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố và đất nước.

Kết luận hội thảo, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho rằng, trong hơn 20.000 cán bộ, công chức của thành phố hiện nay có gần 10% từ 2 chương trình đào tạo nêu trên. Từ đó, cho thấy những tiềm năng và nỗ lực và nhiều thế hệ lãnh đạo TP quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngân sách. Nhiều người sau khi được đào tạo từ hai chương trình hiện đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo từ phường/xã đến quận/huyện và TP.

Ông Cang cho biết, từ các góp ý của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhiều thời kỳ của TP thì Thường trực Thành ủy TP sẽ kiểm điểm, đánh giá một cách toàn diện để bổ sung, hoàn thiện chương trình mang tính chiến lược, thiết thực và hiệu quả hơn trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn quy hoạch cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO