Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung điều trị ‘nhóm nguy cơ’

Lê Anh 20/09/2021 06:20

Nhìn nhận rất khó “quét sạch” F0 ra khỏi cộng đồng trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 hiện dao động trong khoảng 5.000-6000 ca mỗi ngày, TP HCM đang chuyển trọng tâm vào chiến lược phủ vaccine, đi cùng với nâng cao năng lực điều trị y tế đối với nhóm nguy cơ cao.

Theo GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y Dược TP HCM, các chuyên gia đã hiến kế chuyển trọng tâm vào công tác xét nghiệm, phát hiện các ca nghi ngờ, có triệu chứng và có nguy cơ cao. Có hai giải pháp cần tập trung, gồm vừa đẩy nhanh bao phủ vaccine vừa nâng cao năng lực điều trị của ngành y tế trong việc can thiệp sớm khi phát hiện F0. Về lâu dài, việc tạo ra miễn dịch cộng đồng là cơ sở để mở cửa lại kinh tế, bắt đầu cho quá trình hồi phục toàn diện.

TS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng đề xuất thành phố thay đổi thông điệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là “Thuốc + Vaccine + 5K”. Việc xét nghiệm để tìm ra F0, sau đó can thiệp sớm để tránh chuyển nặng, từ đó giảm tử vong.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cũng tán thành chiến lược này. Ông cho rằng nhiều quốc gia đã bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” và chuẩn bị các phương án tiếp cận trong điều kiện sống chung với dịch, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Ông Ninh cũng cho rằng chính quyền thành phố nên chuyển trọng tâm xét nghiệm tập trung vào nhóm nguy cơ (người già, bệnh lý nền) và nhóm có triệu chứng để điều trị kịp thời. Nếu thực hiện được triệt để các khâu này, số ca tử vong mỗi ngày tại thành phố sẽ tiếp tục giảm sâu.

Cả hai ý kiến trên đã được PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng (Đại học Y Dược TP HCM) ủng hộ, trong đó nhấn mạnh thêm thành phố cần tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao. Việc nâng cao và phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả; đảm bảo cơ sở y tế luôn đủ ô xy cho người bệnh nên là giải pháp lâu dài cho giai đoạn tới. Trên thực tế, cách làm này thời gian qua đã kéo giảm đáng kể số bệnh nhân tử vong trên địa bàn thành phố.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, tình hình thực tế trong hơn một tháng qua, số ca tử vong đang có xu hướng giảm liên tục. Đặc biệt, gần đây biểu đồ ca tử vong “đi ngang”. Số ca tử vong phản ánh quá trình điều trị kéo dài từ lúc nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức. Ngành y tế thành phố đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp bệnh nặng và hi vọng thời gian tới số ca bệnh nặng giảm đáng kể.

Cơ sở của dự báo trên, theo Bác sĩ Châu, nằm ở chiến lược mà TP HCM vừa đẩy lên nhóm đầu, bao gồm tập trung cho phủ vaccine diện rộng, đạt 100% tiêm mũi 1 sau thời gian giãn cách xã hội (cuối tháng 9). Bên cạnh đó, chiến lược điều trị Covid-19 của TP HCM trong giai đoạn mở cửa đang rất được chú trọng. Chiến lược này tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng. Mục tiêu là đảm bảo F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, mau chóng hồi phục; trường hợp chuyển nặng sẽ được mau chóng nhập viện, đảm bảo điều trị, hạn chế tử vong.

Cũng theo Bác sĩ Châu, thời gian tới công tác xét nghiệm của TP HCM sẽ được áp dụng để phát hiện kịp thời người có nguy cơ mắc Covid-19 để theo dõi, điều trị, hạn chế chuyển nặng dẫn đến tử vong.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, việc xét nghiệm diện rộng đang được thành phố triển khai theo Công văn 3074 của UBND TP HCM. Theo đó, sẽ tập trung lấy mẫu theo “vùng đỏ”, “vùng cam” với tần suất 3 lần trong 7 ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR). Trong khi đó, “vùng vàng” và “vùng xanh” cũng thực hiện xét nghiệm PCR mẫu gộp, tần suất 5-7 ngày/lần.

TP HCM quyết tâm đến cuối tháng 9/2021 sẽ thiết lập thêm nhiều “vùng xanh”, cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên toàn thành phố, bước đầu phủ 100% mũi 1 vaccine để thực hiện nới lỏng thêm giãn cách, mở cửa thêm một số hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung điều trị ‘nhóm nguy cơ’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO