Thành phố sáng tạo qua nguồn lực văn hóa

Minh Quân (ghi) 03/10/2020 08:42

Được UNESCO công nhận là 1 trong 66 thành phố sáng tạo vào cuối tháng 10/2019, Hà Nội đang khẳng định vị thế là trung tâm của các ngành nguồn lực và sáng tạo văn hóa của cả nước.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Để phát huy lợi thế này, Thủ đô cần những cách làm đúng hướng.

Lễ hội âm nhạc Gió mùa.

Tận dụng tiềm năng

Hiện nay, Hà Nội đã có một số sự kiện quốc tế có thể tạo ra thương hiệu cho thành phố. Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ các sự kiện sẵn có này để xây dựng thương hiệu cho Hà Nội, trong đó đáng lưu ý hơn cả là Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon (cho lĩnh vực âm nhạc), Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (cho lĩnh vực thời trang), Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội (cho lĩnh vực điện ảnh).

Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon) là một sự kiện âm nhạc đặc sắc, thể hiện nhiều dấu ấn sáng tạo. Sự kiện này đóng góp quan trọng vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh của cả Việt Nam và Hà Nội. Điểm yếu của sự kiện này là phụ thuộc quá nhiều vào nhạc sĩ Quốc Trung. Nhạc sĩ Quốc Trung là linh hồn của sự kiện này. Nếu nhạc sĩ Quốc Trung hết đam mê cũng có nghĩa là sự kiện Festival âm nhạc Gió mùa có nguy cơ đi vào bế tắc.

LHP quốc tế Hà Nội - Haniff (tiền thân là LHP quốc tế Việt Nam) được tổ chức lần đầu năm 2010 nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là LHP quốc tế đầu tiên của Việt Nam, sau nhiều nỗ lực đề xuất, xây dựng dự án, quảng bá và hoàn thiện công tác tổ chức để ra đời một sự kiện điện ảnh tầm quốc tế. Mục đích ban đầu của LHP là tôn vinh điện ảnh châu Á, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển giữa các nhà làm phim trong khu vực và quốc tế, thông qua việc giới thiệu những sản phẩm sáng tạo của các đạo diễn tài năng tới từ khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, LHP là sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, với các buổi chiếu, các cuộc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm làm phim, sản xuất phim, phát triển thị trường phim ảnh với các đối tác quốc tế. Điểm mạnh của sự kiện này là đã được tổ chức thường niên 2 năm 1 lần, và có nhiều kinh nghiệm qua 4 lần tổ chức, từ đó có thương hiệu nhất định. Điểm yếu của sự kiện này là phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước (cụ thể ở đây là Cục Điện ảnh), vì vậy sẽ khó khăn khi Nhà nước không có hoặc ít nguồn lực để tổ chức sự kiện.

Thay đổi để khẳng định

Công nghiệp sáng tạo không chỉ liên quan đến một vài lĩnh vực cụ thể, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của thủ đô, thương hiệu Hà Nội cũng như toàn bộ phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của Hà Nội. Chính vì lý do đó, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là lãnh đạo Thủ đô, về tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính những sự kiện như Festival âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Tuần lễ phim quốc tế Hà Nội (Haniff)… là những dấu ấn đặc sắc của Thủ đô, vì Thủ đô và cho Thủ đô. Vì thế, Hà Nội cần phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tổ chức các sự kiện này cũng như đón nhận những lợi ích do các sự kiện này mang lại.

Bên cạnh đó, cần thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô. Đã gần 1 năm kể từ khi được công nhận là thành phố sáng tạo, Hà Nội chưa làm được gì nhiều để thực hiện chương trình hành động đã cam kết với UNESCO. Sở dĩ có tình trạng này vì Hà Nội chưa thành lập được Ban điều phối Thành phố sáng tạo như kế hoạch, theo đó, Ban điều phối Thành phố sáng tạo Hà Nội trực thuộc UBND TP Hà Nội, bộ phận thường trực là Sở VHTT Hà Nội, với sự phối hợp của các sở, ngành, các hội của TP Hà Nội và Chính phủ.

Hội đồng chuyên gia từ cộng đồng thiết kế sẽ được mời với vai trò hỗ trợ và định hướng giúp Ban điều phối Thành phố sáng tạo, để thực hiện các công việc như hợp tác với các đối tác để thực hiện các sáng kiến sáng tạo, phát triển và thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa Thành phố sáng tạo Hà Nội với các thành viên khác trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam (TP HCM, Đà Nẵng, Huế…) tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, hay phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ và thúc đẩy vận động các hoạt động của mạng lưới...

Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới cho thấy, mô hình quản lý cánh tay nối dài, theo đó Nhà nước chỉ đưa ra chính sách hỗ trợ, định hướng, cung cấp một nguồn vốn “mồi” nhất định, còn lại giao toàn quyết quyết định tài trợ, phát triển các dự án cụ thể cho các hội đồng chuyên môn là một giải pháp phù hợp cho sự phát triển công nghiệp sáng tạo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố sáng tạo qua nguồn lực văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO