Thanh tra doanh nghiệp ngoại bán lẻ: Nhiều đại gia vào tầm ngắm

H.Hương 24/05/2017 09:30

Thời gian tới, sẽ có một đợt thanh tra các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại. Đây cũng là khu vực DN thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và thường xuyên có nghi án “trốn thuế, chuyển giá”.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát và tiến hành thanh tra DN đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ. Theo đó các Cục Thuế các địa phương sẽ làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu. Trên cơ sở thông tin rà soát, thông tin quản lý thuế, các Cục Thuế phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế. Thời kỳ thanh tra trong 5 năm, từ 2012 - 2016 và sẽ thực hiện thanh tra các năm chưa được thanh, kiểm tra thuế.

Thời gian qua, thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có nhiều tiềm năng, được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm; có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết, định hướng lĩnh vực sản xuất. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2017 các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 546,68 triệu USD, chiếm 5,16% tổng vốn đầu tư đăng ký xếp vị trí thứ 3.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, trong thời gian qua, DN đầu tư nước ngoài đã gây nhiều bức xúc trong dư luận với việc trốn thuế, chuyển giá khủng mà trong đó phải kể đến là Công ty Metro Cash & Carry. Chỉ riêng việc thanh toán tiền mua thương hiệu, trong vòng 6 năm, từ năm 2006 - 2013, khoản tiền trong lĩnh vực của Công ty này lên tới 731 tỷ đồng. Trong đó 3 năm đầu, Metro Cash & Carry không đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định của Nghị định 35 nên khoản tiền trả cho bên Đức ở giai đoạn này không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế.

Chưa hết, mới đây nhất, Lotte Mart cũng liên tiếp mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và lại báo lỗ rất lớn. Lotte Mart bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 và bắt đầu phát sinh doanh thu từ năm 2008. Hàng năm doanh thu của Lotte Mart tăng trưởng 1.000 tỷmỗi năm nhưng năm nào cũng lỗ. Năm 2015 Lotte Mart lỗ vượt 500 tỷ đồng, sang năm 2016 vừa qua, Lotte lỗ tiếp khoảng 260 tỷ đồng.

Hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế của nhiều DN FDI đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Tuy nhiên, để phát hiện được các vi phạm này lại không hề dễ dàng. Ngoài phương cách chuyển giá phổ biến là khai khống tiền đầu tư, tiền vay để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, còn có các hình thức như chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình, vô hình giữa các bên liên kết; qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên có quan hệ liên kết...

Thực tế, tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn báo lỗ liên tục, không nộp thuế nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh. Trong khi đó, những ưu đãi về thuế còn dàn trải, phức tạp, tạo nhiều lỗ hổng giúp các DN chuyển giá, trốn thuế. Để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế, Bộ Tài chính đã có quy định mới về quản lý thuế đã có hiệu lực, buộc các công ty đa quốc gia phải cung cấp 3 loại báo cáo gồm: Báo cáo quốc gia, báo cáo tập đoàn và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia có hiệu lực từ đầu tháng 5/2017.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan thuế cần làm đến cùng những DN có “nghi án” trốn thuế chuyển giá. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã từng nhấn mạnh, có đến 60% doanh nghiệp chuyển giá có lợi nhuận rất cao, 44% DN lợi nhuận cao, 9% DN là báo cáo ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh tra doanh nghiệp ngoại bán lẻ: Nhiều đại gia vào tầm ngắm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO