Tháo điểm nghẽn cho Thủ đô

H.Vũ 14/07/2019 08:01

Hà Nội, trái tim của cả nước hiện đang phải đối mặt với nhiều rào cản phát triển: Ô nhiễm sông, môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải tại các khu đô thị, thiếu trường học, xử lý rác thải… Đó là những vấn đề Hà Nội phải vượt qua. Đã đến lúc cần những quyết sách để Hà Nội phát triển, với vị trí là Thủ đô của đất nước.

Tháo điểm nghẽn cho Thủ đô

“Cống hóa” để “cứu” sông Tô Lịch?

Không phải ngẫu nhiên, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô trước kỳ họp của MTTQ TP cũng phản ánh lên “tiếng nói” của cử tri Thủ đô: Tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, ô nhiễm ở một số dòng sông ngày càng tăng, vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở một số nơi còn nhiều khó khăn; tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình chăn nuôi xử lý chưa đạt yêu cầu đã xả ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của nhân dân.

Điều được người Hà Nội mong đợi nhất và TP cần phải giải quyết chính là vấn nạn ô nhiễm môi trường tại Thủ đô đang ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của nhân dân, trong đó có việc ô nhiễm dòng sông và vấn đề rác thải. ĐB Dương Đức Tuấn (Bí thư quận Hoàn Kiếm) cho rằng: Xử lý ô nhiễm sông hồ còn rất phức tạp nên TP cần nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững, cụ thể có thể xem xét khả năng cống hóa một số sông có tính chất kênh mương thoát nước như Tô Lịch hay Kim Ngưu, điều này góp phần ngăn chặn việc xả thải bừa bãi, tăng không gian công cộng, hạ tầng giao thông, cây xanh cho TP.

Tuy nhiên ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Thanh Xuân) cho rằng: TP cần có giải pháp cấp nước, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, cố gắng cứu sống con sông. Việc “bê-tông hóa” con sông là không nên, bởi lẽ sẽ ảnh hướng đến các đặc điểm địa lý, địa chất và phong thủy. Cấp lại dòng chảy cho sông không chỉ giải quyết được ô nhiễm con sông này mà còn có thể tạo một hệ giao thông đường thủy.

PGS. TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) - đánh giá việc “cống hóa” sông Tô Lịch là “nhận thức cực kỳ kém” về vấn đề môi trường và phát triển. Trên thế giới không có nước nào có sông mà đi lấp sông đi, đây là chuyện không tưởng tượng được, việc biến sông thành đường là thứ tệ hại nhất trong vấn đề môi trường.

“Nghe thấy chuyện cống hóa, mọi người giận chuyện đó lắm” - ông Tứ bình luận và cho rằng: Đường sá đã bị hiệu ứng đô thị nhiệt, có bờ sông và khoảng không gian mà định làm đường, làm nhà là quá tệ hại. Quan điểm đó là không thể được. Nhìn rộng ra thì các sông ở Hà Nội cũng phải xây dựng lại, xây dựng giống kênh Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh để tăng diện tích và tiết kiệm không gian.

Hiện nay công nghệ mà Hà Nội đang áp dụng để “cứu” sông Tô Lịch có thể làm sạch nước, bùn cát nhưng chỉ là giải pháp cục bộ, bởi để hồi sinh sông Tô Lịch không thể đơn giản bằng việc lắp máy thí điểm ở một khu vực rồi áp dụng cho toàn tuyến sông.

Ở góc độ khoa học, vị chuyên gia về sông ngòi cho rằng, hiện mực nước của sông Tô Lịch chỉ còn 20-50 cm, nguồn chảy chủ yếu từ nước mưa, nước thải sinh hoạt. Trong khi, một dòng sông đúng nghĩa phải có mực nước dâng cao, dòng chảy liên tục từ đầu đến cuối nguồn, có các loài tôm cá, thủy sinh. Nước thải liên tục đổ 24/24h từ hàng trăm cống xả, nếu lắp máy xử lý từ đầu nguồn đến cuối nguồn thì chi phí ra sao, cho nên muốn làm sạch song phải tính từ gốc và biện pháp căn cơ, lâu dài nhất để làm “sống lại” sông Tô Lịch là tách nước thải, đưa về nhà máy xử lý tập trung. Khi nước sông Tô Lịch sạch có thể bổ sung nước sông Hồng để tạo dòng chảy lưu thông.

Phải nhận diện đầy đủ giá trị và bản sắc của Thủ đô Hà Nội trước khi đề xuất

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội - cho rằng: Cần nhận diện đầy đủ giá trị và bản sắc của Thủ đô Hà Nội trước khi có đề xuất, bởi Hà Nội là nơi thiên nhiên ưu đãi nhiều yếu tố cảnh quan, trong đó có địa hình, cây xanh, và mặt nước. Trong tất cả các kỳ quy hoạch, kể cả quy hoạch từ thời Pháp cho đến 7 lần quy hoạch của Hà Nội đều khẳng định “phải giữ gìn những yếu tố cây xanh, mặt nước, đặc biệt là các dòng sông trong nội đô”.

Có những lúc trong một số quy hoạch được duyệt từ những năm 1998, rồi một số khu vực đặc thù của Hà Nội có những tổ chức xã hội nghề nghiệp, những chuyên gia hàng đầu đã đề nghị khôi phục lại các dòng sông cũ ví dụ như sông Tô Lịch khôi phục lại đoạn chảy qua phố Chợ Gạo nối với sông Hồng vì nơi đây đã mang nhiều dấu ấn của Thăng Long lịch sử.

Bài học kinh nghiệm của nhiều nước, ví như Nhật Bản, Hàn Quốc trong quá trình đô thị hóa họ đã từng lấp các dòng sông để cống hóa nhưng sau đó họ phải khôi phục lại các dòng sông để tạo cảnh quan. Khôi phục các dòng sông đã tạo sự hấp dẫn hơn, môi trường được đảm bảo hơn và đặc biệt được cộng đồng dân cư hoan nghênh.

Theo ông Nghiêm, với dòng sông Tô Lịch từ những năm 1990-1995 đã có quy hoạch 2 bên, song lúc đó Hà Nội chưa kết nối với Hà Tây cho nên chưa khơi thông, đến nay nằm trong ranh giới Hà Nội rồi thì việc làm trong sạch dòng sông là rất cần thiết.

Trong đó việc phải làm là: Có thiết kế, quy hoạch để tạo cảnh quan, nhưng phải tách được giữa thoát nước thải sinh hoạt và nước mặt là nước mưa, vì hiện nay 2 thứ nước này đang trộn với nhau nên chỗ nào cũng ô nhiễm. Việc đưa nước Hồ Tây vào thì nước sông Tô Lịch lại trong sạch hơn, như vậy giữ được dòng sông không chỉ ở cảnh quan mà bảo tồn giá trị di sản của dòng sông này.

Nếu cống hóa sẽ liên quan đến vấn đề nguồn vốn, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật mà ở đây chúng ta chưa giải quyết được thì không nên đặt vấn đề cống hóa như thế.

Tháo điểm nghẽn cho Thủ đô - 1

Mật độ xây dựng dày đặc tạo áp lực lên cuộc sống của cư dân tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Không để “nóng” chuyện rác thải

Vấn đề xử lý rác thải tại Hà Nội đang làm “nóng” dư luận trong thời gian qua. Qua giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Ba Vì, thị xã Sơn Tây và một số đơn vị cung ứng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, đơn vị được giao triển khai dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, HĐND TP nhận thấy: Chất thải rắn sinh hoạt (rác thải sinh hoạt) tồn đọng vương vãi xảy ra trên nhiều tuyến đường, tuyến phố, ngõ vào các cung giờ từ 9-11h sáng, 14-16h chiều hàng ngày, nhất là ở các tuyến đường, tuyến phố có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh, buôn bán ở khu vực đô thị và các tuyến đường, ngõ có tần suất thu gom thấp từ 2-3 lần/ tuần ở khu vực nông thôn, chưa được thu gom kịp thời ảnh hưởng môi trường và làm mất mỹ quan TP.

Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế.

Các khu nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế sẽ phải đóng bãi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là do việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, điểm chuyển tải chất thải rắn cấp TP theo quy hoạch còn chậm, đến nay chưa thực hiện được các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ (đốt không phát điện) đã được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động chưa hiệu quả, không đảm bảo công suất thiết kế, thường xuyên hư hỏng phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa. Một số dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm (Châu Can, Đông Lỗ, Hợp Thanh, Lại Thượng).

Đặc biệt, một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và đóng cửa (Đông Lỗ, Vân Đình, Yến Vĩ, Cao Dương, Kiêu Kỵ), rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về 2 khu xử lý chính của TP là Nam Sơn (hiện tiếp nhận 4.500-4.900 tấn/ ngày đêm) và Xuân Sơn (hiện tiếp nhận 1.400 tấn/ ngày đêm) đã gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, làm tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý dẫn đến nhiều lần người dân khu vực bị ảnh hưởng phản đối.

Từ những bất cập trên, HĐND TP đã kiến nghị TP sớm phê duyệt đơn giá xử lý nước rác tại khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn thay thế đơn giá xử lý nước rác đã được phê duyệt. Nghiên cứu điều chỉnh quy trình vận hành Khu xử lý chôn lấp rác Xuân Sơn cho phù hợp (Quy trình đã ban hành có công suất tiếp nhận 500 tấn/ ngày, hiện nay đang tiếp nhận khoảng 1200 tấn/ ngày).

* Xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm

Điều đáng nói, trước những bất cập của Hà Nội hiện nay, vấn đề được ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP - cho rằng: Vấn đề quan trọng là TP phải chú trọng quan tâm phòng chống, xử lý nghiêm các vụ việc phức tạp, đặc biệt lưu tâm xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em, không để xảy ra án oan sai. TP đã thẳng thắn đánh giá những hạn chế tồn tại, đó là vi phạm trong quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy mà nguyên nhân có trách nhiệm của việc chỉ đạo chưa quyết liệt, vào cuộc chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm của người đứng đầu, để vi phạm kéo dài, phức tạp, khó xử lý, khắc phục sai phạm. Chính vì vậy, TP cần tăng cường kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo điểm nghẽn cho Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO