Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

Nguyên Khánh 31/03/2018 08:05

Tất cả các lĩnh vực đều có bước tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, không chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được bởi thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức… đó là những thông tin tại hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, diễn ra sáng 30/3.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

Ảnh minh họa.

GDP quý I tăng cao nhất trong vòng 10 năm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, tăng trưởng kinh tế - xã hội quý I rất tích cực. Các ngành, lĩnh vực đều có sự phát triển và tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất so với 10 năm gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ 2017 (4,96%); lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% thấp so với bình quân cùng kỳ (1,66%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước tăng vượt bậc, tăng khoảng 4,05%, gấp 2 lần mức tăng cùng kỳ (2,08). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,7% cao hơn 2 lần so với cùng kỳ (4,48%). Khu vực dịch vụ tăng 6,7% cao hơn cùng kỳ (6,36%).

Dù các lĩnh vực của nền kinh tế đều có mức tăng vượt bậc như vậy nhưng nền kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là khó khăn nội tại của nền kinh tế- theo ông Thắng. Những khó khăn được kể đến là trình độ khoa học công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.

Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được ở mức cao như năm 2017. Đặc biệt áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn hiện hữu do một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như 8 địa phương dự kiến điều chỉnh giá khám chữa bệnh, điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục… đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để kiềm chế lạm phát.

Gỡ khó doanh nghiệp

Bàn giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng, ông Nguyễn Văn Trì- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi, tăng thu, đặc biệt nguồn từ đất khi mà Vĩnh Phúc có thể bị ảnh hưởng nguồn thu từ sản xuất công nghiệp. Đồng thời tập trung cải cách hành chính, tăng sức hấp dẫn để các DN tiếp tục đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đề xuất, đối với các dự án hợp tác công tư thuộc nhóm A, theo luật thuộc thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên để thuận lợi cho nhà đầu tư, Quảng Ninh đề nghị Trung ương ủy quyền, phân cấp tạo điều kiện cho địa phương. “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về những dự án này, còn bộ, ngành, Trung ương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát”- Chủ tịch Quảng Ninh quả quyết.

Với những vấn đề liên quan đến ngành than, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành này, bởi đầu tư khai thác than rất tốn kém, nếu đầu ra không ổn định sẽ khó. “Ngành than chỉ đóng góp vào GDP của tỉnh 18% nhưng lại liên quan trực tiếp đến 10 nghìn lao động, chiếm 30% dân số của tỉnh”- ông Long thông tin thêm.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng - 1

Tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm đối với ngành dệt may.

Vẫn còn tình trạng “trên nóng- dưới lạnh”

Ông Phạm Văn Tân, giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, khó khăn nhất, điểm nghẽn nhất của dệt may là dệt và nhuộm. “Chúng ta cứ nói dệt may của ta chủ yếu là gia công tạo ra giá trị sản phẩm không cao, nhưng điều gì cũng có lý của nó”- ông Tân phân tích: Nhiều địa phương đối với ngành may mặc thường hoan nghênh, kéo nhà đầu tư về, nhưng với dệt, nhuộm thì từ chối vì sợ ảnh hưởng tới môi trường.

Đại diện này khẳng định, hiện nay công nghệ xử lý nước thải đã rất tiến bộ, nước thải được xử lý trước khi xả ra môi trường cá có thể bơi được, thì ảnh hưởng tới môi trường là không nhiều. Nếu cứ nghi ngại ô nhiễm môi trường không chấp thuận dự án đầu tư thì lấy đâu sản phẩm để xuất khẩu.

Về vấn đề thuế, phí, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa, bãi bỏ những điều kiện gây khó cho DN. Đặc biệt, kiểm tra chuyên ngành phải tiếp tục giảm bớt, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

“Kiểm tra chuyên ngành với mặt hàng bông hiện vẫn còn chiếm 30%-50%, nhưng hầu như các cuộc kiểm tra không phát hiện sai phạm. Vậy cần tiếp tục giảm bớt để vừa đỡ tốn thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN”- đại diện Hiệp hội Dệt may nói.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam mong muốn Chính phủ đối thoại nhiều hơn nữa để lắng nghe, gỡ khó cho DN. Đại diện này phân tích, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được Trung ương triển khai tích cực, nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh gây khó đã được bãi bỏ- nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Đại diện này kiến nghị, những thủ tục, điều kiện đã tiếp thu, chỉnh lý phải được thực hiện sớm. Đừng để tồn tại những quy định mà DN đã cố gắng hết sức mà không thể thực hiện được. Minh họa về việc “trên nóng, dưới lạnh” ông Nam dẫn chứng, Chỉ thị 20 được Thủ tướng kí ngay tại Hội nghị gặp gỡ các DN đã yêu cầu chỉ kiểm tra DN 1 lần duy nhất trong năm, nhưng ngay sau Chỉ thị ra đời, theo thống kê sơ bộ, mỗi DN chịu ít nhất 6-8 lần kiểm tra trong năm.

Nắm chắc tình hình sản xuất để chỉ đạo kịp thời

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải luôn xác định tâm thế chủ động, linh hoạt ứng phó, luôn có giải pháp triển khai các nhiệm vụ và tăng cường phối hợp liên ngành, từ trung ương đến địa phương, không ngừng đặt ra những yêu cầu mới, mục tiêu mới cao hơn để vượt lên.

Theo Phó Thủ tướng, từ kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo, điều hành năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từng DN phải thường xuyên rà soát từng ngành, từng sản phẩm chủ lực, từ đó kịp thời có điều chỉnh phù hợp nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

“Các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức thật rõ vai trò, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, địa bàn..., nắm chắc tình hình sản xuất của từng DN, sản phẩm để có giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng”- Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch phát triển, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch, xác định rõ nguồn lực, thứ tự ưu tiên triển khai; rà soát lại tất cả các chỉ tiêu kế hoạch, xác định rõ các nguyên nhân, hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Nhiều dư địa tăng trưởng từ khu vực nông nghiệp

Giải pháp số 1 hiện nay là thị trường và thị trường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định. Ông Cường phân tích, nền kinh tế hiện nay mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Thách thức lớn nhất với khu vực nông nghiệp không phải là sản xuất mà là thị trường. Ông Cường đề nghị trong tháng 4 tổ chức hội nghị về thị trường tiêu thụ nông sản. Các bộ, ngành, địa phương phải có các phương án, ứng phó sự cố bất bình thường có thể xảy ra. “Chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng, kể cả lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, công nghiệp và xây dựng…đây là những lĩnh vực đầy tiềm năng chưa khai thác hết”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Hai kịch bản tăng trưởng

Kịch bản 1, GDP tăng 6,7%, đối với kịch bản này, Bộ Kế hoạch- Đầu tư nhận định với mức tăng quý 1 là 7,38%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,05%; khu vực công nghiệp xây dựng đạt 9,7% …mục tiêu tăng trưởng này có thể đạt được. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này nó đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực, cố gắng.
Kịch bản 2, GDP tăng 6,8%, kịch bản này bám sát mục tiêu kịch bản 1 nhưng thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp. Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhận định, cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng này phụ thuộc vào ngành công nghiệp do xét thấy tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo là khá tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO