Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu giá tài sản

Lê Bảo 10/07/2015 10:05

Hoạt động bán đấu giá tài sản đã có những phát triển đáng kể từ khi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực, đặc biệt số lượng tổ chức bán đấu giá tài sản đã không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản...đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Để chuẩn bị cho việc xây dựng Dự án Luật Đấu giá tài sản, Thường trực Tổ biên tập Dự án Luật Đấu giá tài sản (Cục Bổ trợ tư pháp) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát về tình hình tổ chức và hoạt động bán đấu giá tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả khảo sát, tại 24 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành khảo sát có 164 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trong đó có 24 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 140 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.

Hầu hết các địa phương được khảo sát đều cho rằng, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã khắc phục được nhiều vướng mắc của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn về bán đấu giá tài sản. Hoạt động bán đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc củng cố và phát triển các tổ chức bán đấu giá tài sản, góp phần thống nhất pháp luật về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản và đáp ứng phần lớn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này.

Với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản nhìn chung đã có sự khởi sắc và phát triển khá mạnh mẽ. Việc xã hội hóa hoạt động bán đấu giá đã từng bước được củng cố và phát triển, người dân, cơ quan, tổ chức đã có sự quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Mặt khác hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù vậy, qua thực tiễn làm việc tại địa phương, Đoàn khảo sát đã ghi nhận được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá do từng tổ chức bán đấu giá quyết định sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng khi đăng ký mua tài sản bán đấu giá .

Một số tổ chức bán đấu giá tài sản đã phản ảnh vướng mắc về quy định thời gian niêm yết. Cụ thể, theo các địa phương này, Điều 28 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định thời gian niêm yết việc bán đấu giá tài sản là bất động sản chậm nhất là 30 ngày là quá dài; hơn nữa, thủ tục xin chủ trương đấu giá của tỉnh/thành phố, thủ tục lập phương án đấu giá và thủ tục phê duyệt kết quả trúng đấu giá mất nhiều thời gian trong bối cảnh thị trường bất động sản không ổn định, giá khởi điểm trước đó sẽ không sát với giá quyền sử dụng đất tại thời điểm đấu giá dẫn tới tâm lý e ngại đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, làm giảm hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản.

Thêm nữa, các tổ chức bán đấu giá thường không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng khi thực hiện việc niêm yết.

Cần thiết phải ban hành luật

Xuất phát từ thực trạng trên cũng như nhu cầu từ thực tiễn nhóm nghiên cứu cho rằng, việc ban hành Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện, hệ thống hóa các văn bản về bán đấu giá tài sản, điều chỉnh công tác bán đấu giá tài sản tốt hơn nữa, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị cho xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên khi xây dựng Luật Đấu giá tài sản bổ sung quy định về tài sản và nguyên tắc bán đấu giá. Lý do theo nhóm nghiên cứu, một số địa phương cho rằng quy định tại Khoản 2, Điều 1 và Khoản 4, Điều 2 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, liệt kê một số tài sản bán đấu giá, gồm động sản, bất động sản, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật là không thể hiện đầy đủ về nội hàm các loại tài sản và tài sản bán đấu giá theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật thương mại.

“Việc quy định không cụ thể này sẽ gây khó khăn trong thực tiễn bán đấu giá một số loại tài sản có tính chất pháp lý đặc thù như bán đấu giá tài sản hình thành trong tương lai, tài sản là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bán đấu giá quyền tài sản (quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với phần góp vốn trong công ty...)” – Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc bán đấu giá tài sản tự nguyện (theo ý chí của người có tài sản bán đấu giá) và nguyên tắc đấu giá tài sản bắt buộc. Đối với quy định những trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá hầu hết các địa phương cho rằng, cần sửa đổi Điều 7 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP theo hướng giới hạn đối tượng người được miễn đào tạo nghề đấu giá, bởi lẽ để thực hiện một hợp đồng bán đấu giá tài sản đòi hỏi đấu giá viên phải là người am hiểu hoặc phải được đào tạo nghề đấu giá trong đó có kiến thức về pháp luật, hợp đồng kinh tế, quản lý kinh tế, các quy định liên quan về thuế, về đất đai... và những vấn đề có liên quan trong việc xử lý tài sản bán đấu giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu giá tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO