Thắp ước mơ cho học trò nghèo

Nguyễn Tuấn Anh 01/08/2018 10:00

21 năm triển khai mô hình “Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa”, thầy Trần Quang Thông đã hỗ trợ hàng trăm trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, trẻ em cá biệt, tạo môi trường để các em được học tập, nuôi dưỡng, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

Thắp ước mơ cho học trò nghèo

Thầy Trần Quang Thông bên vườn thực nghiệm của nhà lưu trú.

Gần 10 năm tham gia dạy học từ thiện cho trẻ em lang thang ở Công viên Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh), thầy Trần Quang Thông luôn ấp ủ dự định xây dựng một Nhà lưu trú cho học sinh nghèo, lang thang, trẻ mồ côi. Năm 1997, ông về Buôn Ma Thuột xây dựng “Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa” – đây là nhà lưu trú học sinh đầu tiên ở Tây Nguyên do tư nhân bỏ kinh phí đầu tư.

Mặc dù với cơ sở vật chất ban đầu khá đơn sơ, nhưng ngay từ năm học đầu tiên Nhà lưu trú đã đón 37 học sinh ở đủ các lứa tuổi, từ Tiểu học đến THPT. Hoạt động trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng thầy Thông luôn đặt ra mục tiêu, mỗi một năm học mới sẽ nhận thêm các em hoàn cảnh khó khăn về nuôi dạy miễn phí.

Tiếng lành đồn xa, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa của thầy Thông đã thu hút hàng trăm học sinh tới lưu trú và học tập. Không chỉ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, mà nhiều cháu ở xa, như Lạng Sơn, Bình Phước cũng tìm đến. Điều đặc biệt nữa, bên cạnh số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng cha mẹ không đủ quỹ thời gian chăm sóc, quản lý, dẫn đến các em ham chơi, bỏ bê học hành,…, cũng tìm đến Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa để được hỗ trợ học tập.

Em Mai Văn Sang, ở huyện Krông Nô (Đắc Nông), có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân lại bị tật do tai nạn nên việc sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Em được thầy Thông đưa về nuôi dưỡng, ăn học từ năm lớp 8. Nay Sang đã trở thành chàng sinh viên năm thứ 3, ngành Sinh học, trường Đại học Tây Nguyên, và hiện em vẫn tiếp tục được thầy Thông giúp đỡ.

Kết thúc năm học (2017-2018) này, Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa của thầy Thông đã có quãng thời gian 21 năm hoạt động. Theo nhẩm tính của thầy Phạm Ngọc Hóa, cán bộ quản lý học sinh, từ ngày thành lập đến nay, đã có hơn 200 học sinh trưởng thành từ nhà lưu trú. Bình quân mỗi năm có 10 em tốt nghiệp THPT, trong đó một số em đỗ đạt vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề.

Từ năm 2013 đến nay, thầy Thông đã đầu tư xây dựng cơ sở thực nghiệm tại phường Khánh Xuân. Tại đây, ngoài việc xây thêm nhà nội trú cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trọ học, thầy Thông còn đầu tư khu vực trồng cây ăn trái, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vừa tạo nguồn thu, bảo đảm đời sống cho thầy và trò. Các mô hình sản xuất, chăn nuôi mà thầy Thông triển khai tại Cơ sở thực nghiệm ở phường Khánh Xuân đều đạt kết quả cao.

Theo thầy Thông, nguồn thu từ sản xuất, chăn nuôi tại Cơ sở thực nghiệm, đã góp phần bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống học tập, sinh hoạt hằng ngày của hơn 200 học sinh, sinh viên, người lao động, cán bộ quản lý của Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa.

Nói về những việc làm đầy tính nhân văn của thầy Trần Quang Thông, ông Nguyễn Đình Ninh, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định: “Thầy Trần Quang Thông là một tấm gương tiêu biểu trong hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương. Hơn 20 năm qua, thầy Thông đã cưu mang học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ nhiều miền quê, giúp các em vượt lên số phận, để trưởng thành. Bên cạnh đó, thầy Thông còn huy động các nguồn tài trợ của các nhà từ thiện, thường xuyên tham gia hỗ trợ 7 hộ nghèo, người cô đơn của phường Tân Tiến”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắp ước mơ cho học trò nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO