Thất nghiệp vì lạc hậu công nghệ

Minh Long 14/12/2016 06:23

Ngày 13/12, Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI đã tổ chức đối thoại chính sách việc làm trong thời gian tới. Trong đó câu hỏi “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động?” đã được phân tích.

Người lao động cần nhanh chóng nắm bắt những công nghệ hiện đại.

86% lao động dệt may nguy cơ thất nghiệp do công nghệ

Đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ-chiếm 20,6%.

Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong ngành kỹ thuật, công nghệ còn chiếm tỉ trọng thấp và chúng ta đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện hoặc lao động trong lĩnh vực quản trị Doanh nghiệp (DN), tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, tự động hoá.

Tại buổi đối thoại, bà Đào Thị Thu Huyền- Chánh văn phòng cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, việc tự động hóa đã diễn ra tại Canon Việt Nam từ nhiều năm.

Cách đây khoảng 6-7 năm, có lúc DN này sử dụng 13.000 lao động, nhưng giờ chỉ là 8.000 lao động bởi nhiều công việc đã được robot đảm nhận. Do đó, phải có chiến lược rõ ràng thay thế công nghệ. Tự động hóa kết hợp với con người để đạt năng suất công nghệ tốt, giá thành cạnh tranh.

Nói đến những tác động của công nghệ đối với việc làm, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra với tốc độ chóng mặt, ập tới như cơn bão trong 10-15 năm tới, thậm chí nhanh hơn.

“Rõ ràng câu chuyện của Canon gợi mở một vấn đề thực tế là chúng ta đang phải cạnh tranh với người máy. Cần lập ngay hội đồng kỹ năng nghề của từng hiệp hội DN, cuộc cách mạng này tác động đến ngành mình như thế nào để trình kiến nghị lên chính phủ. Nếu không chúng ta sẽ thua”- ông Lộc bày tỏ.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, ngành dệt may-da giày là những ngành bị đe dọa nhiều nhất dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ước tính của ILO cũng chỉ ra, 86% trên tổng số lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may – da giày ở Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa do những tiến bộ đạt được trong kỹ thuật công nghệ.

Đồng tình với quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, đây là thách thức cần đặt ra một cách nghiêm túc với Chính phủ, DN và tổ chức Công đoàn. Nếu không, khi có tác động, trong tương lai chúng ta gặp khó khăn hơn trong việc làm.

Theo ông Chính, trước đây Bộ luật lao động có quỹ đào tạo lại, đặc biệt cho nữ lao động. Cho đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, chúng ta đã bỏ đi. Do đó, chúng ta phải tính, trong việc xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động, có nên thành lập quỹ đào tạo lại cho NLĐ hay không.

Giải pháp nào?

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bà Lan cho rằng, để hành động cụ thể không chỉ có một phía. Nhà nước, các bộ ngành và bản thân người lao động. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên DN đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề. Kỹ năng đánh giá của người lao động phải đổi mới mạnh mẽ kể cả đại học và dạy nghề.

“Chúng ta phải đầu tư vào con người. DN phải chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu để thay đổi cách thức quản lý. Về phía NLĐ, phải xác định học suốt đời nếu không sẽ bị đào thải”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, hiện nay chúng ta đào tạo nhiều, nhưng tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Bản thân bằng cấp của các trường đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Các doanh nghiệp cần lao động một đường, các trường cung ứng một nẻo, không gắn kết với nhau.

“Các DN không chỉ là chủ thể đầu tư mà cần trực tiếp tham gia vào giảng dạy đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa thị trường, chính bản thân DN cũng là trường học cho NLĐ”- ông Lộc nhấn mạnh

Còn ông David Lamotte, Phó Giám đốc ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương khuyến nghị, Việt Nam nên cải thiện kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hoá hệ thống phát triển kỹ năng nghề, đón đầu những xu hướng thay đổi ở nơi làm việc và những đổi mới công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất nghiệp vì lạc hậu công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO