Thất Thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài 3: Đất bỏ hoang... vì phát triển khu đô thị

Đức Sơn 14/06/2019 07:20

Nhiều năm qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nôn nóng phát triển các khu đô thị mà không tính đến nhu cầu thực tế và năng lực của chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng thu hồi hàng nghìn héc ta “bờ xôi, ruộng mật” rồi để quy hoạch treo, hoặc để hoang hóa, lãng phí lớn về tài nguyên đất khiến người dân bức xúc.

Thất Thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài 3: Đất bỏ hoang... vì phát triển khu đô thị

Ngay sau chiếc cổng Khu đô thị Nam An Khánh hoành tráng là những căn biệt thự bỏ hoang và hàng trăm héc ta vốn là đất nông nghiệp đã thu hồi bỏ hoang cho cỏ mọc.

Thoi thóp vì … “đại dự án” đô thị

Nằm ở vị trí “vàng” giáp Đại lộ Thăng Long, Dự án khu đô thị Nam An Khánh với tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được kỳ vọng là Khu đô thị hoành tráng, hiện đại và đáng sống bậc nhất khu vực phía Tây Thủ đô. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị & KCN Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 288,8 ha trên địa bàn xã An Khánh. Những tưởng gần 300 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, san lấp để làm “đại dự án” đô thị thì bộ mặt nông thôn An Khánh sẽ “thay da, đổi thịt” và cuộc sống của người dân nơi đây sẽ khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, Khu đô thị Nam An Khánh chỉ có vài tòa nhà chung cư đi vào hoạt động. Còn lại, hàng trăm ha đất cùng những dãy biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang phế cho cỏ mọc. Phần lớn diện tích đất bỏ hoang trong khu đô thị chỉ có một tác dụng duy nhất là làm nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.

“Khi thu hồi đất, chủ đầu tư và địa phương hứa sẽ tạo nhiều việc làm cho bà con ở ngay Khu đô thị, nên mặc dù chỉ được đền bù với giá hơn 45 triệu đồng/sào, người dân vẫn đồng ý nhường lại đất nông nghiệp làm dự án, vừa là ủng hộ địa phương, vừa là hi vọng có cuộc sống khấm khá hơn. Thế nhưng, dự án triển khai nhỏ giọt và bỏ hoang, khiến chúng tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp. Trước kia có ruộng cấy lúa, trồng màu không giàu có nhưng cuộc sống no đủ. Giờ vợ chồng tôi phải làm thuê khắp nơi vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Nhìn đất khu đô thị bỏ hoang, chúng tôi đau xót lắm…” - bà Nguyễn Thị Vân - người dân An Khánh, than thở.

Mất ruộng, mất kế sinh nhai, phải đi làm thuê tha phương cầu thực đã đành. Đáng buồn hơn nữa, sau khi bàn giao đất nông nghiệp cho dự án đô thị, hàng chục năm qua, hàng nghìn hộ dân xã An Khánh vẫn chưa nhận được “đất dịch vụ” theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Được biết, ngành chức năng đã ban hành quyết định cho những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên được giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích bị thu hồi, nhưng không quá 150m2/hộ. Thế nhưng việc giao đất dịch vụ ở xã An Khánh gặp vướng mắc ở chỗ, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 4/5 thôn trong xã đã bị thu hồi hết, nên không đủ đất để giao cho dân. Những phần đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển thành đất dịch vụ thì chưa thu hồi, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số khu vực còn vướng quy hoạch chung của TP Hà Nội, nên toàn xã vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Theo thống kê của UBND xã An Khánh, cả xã có hơn 2.100 hộ dân thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp và được nhận đất dịch vụ, nhưng đến nay xã chưa thực hiện được việc giao đất dịch vụ cho dân, nên quyền lợi của hàng nghìn hộ dân vẫn bị “treo” nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Toàn - Bí thư Đảng ủy xã An Khánh thừa nhận, sau khi thu hồi đất nông nghiệp, người dân bị ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Về hướng giải quyết quyền lợi chính đáng cho nhân dân, ông Toàn cho hay, để giải quyết vấn đề này mắc đủ thứ, từ quy hoạch đến các thủ tục xin phép. Đến thời điểm này chưa thấy cấp trên chỉ đạo gì hướng xử lý.“Người dân liên tục kiến nghị giải quyết. Mấy năm nay chúng tôi bị kiểm điểm sâu sắc vì việc giao đất dịch vụ nhưng xã có quyền gì đâu, xã chỉ phối hợp thôi,…” - ông Toàn chua xót cho biết.

“Thật là đắng cay, chỉ có nông dân bị thu hồi thiệt đơn, thiệt kép. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp thu hồi đất dự án bỏ hoang lâu năm, giao lại cho người dân sản xuất và chuyển sang đất dịch vụ, nhưng hàng chục năm chưa thấy thực hiện. Bởi vậy, dân nghèo càng nghèo thêm” - ông Lê Văn Bảy, một người dân bị thu hồi đất ngậm ngùi chia sẻ. Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ vòng 5 năm trở lại đây, riêng huyện Hoài Đức có 51 dự án khu đô thị chậm triển khai, vi phạm pháp Luật Đất đai.

“Treo niêu”… cùng 2.000 ha đất bỏ hoang

Thống kê của thành phố Hà Nội cho biết, huyện Mê Linh hiện có 47 dự án xây dựng khu đô thị. Hầu hết các dự án này đều đang triển khai dở dang hoặc bỏ hoang nhiều năm nay không triển khai. Đáng bàn, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lên tới 2.000 ha để làm dự án khu đô thị, nhưng sau đó bỏ hoang, trong khi người dân không có đất canh tác.

Các dự án “đình đám” có thể kể đến như dự án Khu đô thị AIC Mê Linh tại xã Mê Linh do Công ty CP Bất động sản AIC làm chủ đầu tư cũng trong tình trạng “đắp chiếu” cho cỏ mọc hàng chục năm qua. Hay như việc Tổng Công ty HUD “ôm” nhiều dự án khu đô thị với hàng trăm hecta đất nông nghiệp của nông dân, gần chục năm nay không triển khai xây dựng như KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (53,57ha), KĐT Mê Linh -Đại Thịnh (141,84ha), KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 trên 55 ha được triển khai từ lâu nhưng đến giờ GPMB vẫn còn dang dở.

Đặc biệt, trong số các xã ở huyện Mê Linh bị thu hồi phần lớn đất lúa, đất nông nghiệp giao cho các dự án để rồi sau đó bỏ hoang, thê thảm nhất có lẽ là xã Tiền Phong. Xã này có khoảng 20 dự án khu đô thị “bánh vẽ”. Hầu hết đều là những dự án chiếm diện tích đất rất lớn, điển hình như Dự án khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha, Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3ha, KĐT Minh Giang - Đầm Và của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha, Dự án khu nhà ở làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha...

Người dân ở đây bức xúc trước tình trạng dự án bỏ hoang. Bởi lẽ sau khi bàn giao ruộng đất cho dự án, nhiều hộ dân đã gặp rất nhiều khó khăn để chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Nhiều người lớn tuổi, hoặc sức khỏe yếu không có khả năng chuyển đổi nghề rơi vào tình cảnh đói kém, thường xuyên phải “treo niêu”.

“Khi bị thu hồi đất, chúng tôi chỉ được bồi thường 18 triệu/ sào tính ra mỗi mét đất không mua được bát phở. Diện tích đất nông nghiệp ít ỏi còn lại thì không thể cấy hái do chủ đầu tư dự án đã san lấp hết hệ thống tưới tiêu thủy lợi. Kêu mãi thì chính quyền hứa sẽ kiểm tra rồi để đấy, còn chủ đầu tư thì bỏ đi biết kêu ai…” - chị Nga, người dân xã Tiền Phong, ngao ngán cho biết.

Theo ông Hoàng Văn Phương - Chủ tịch MTTQ xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tại địa phương cũng có tình trạng ngành chức năng chưa trả đất dịch vụ đầy đủ cho nhân dân. Người dân liên tục kiến nghị trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để.

(Bài 4: Đất bỏ hoang - ai chịu trách nhiệm?)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất Thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài 3: Đất bỏ hoang... vì phát triển khu đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO