Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài cuối: Xử lý trách nhiệm - 'giải pháp của giải pháp'

Hoài Vũ 16/06/2019 08:00

Lãng phí về đất đai, theo số liệu báo cáo của các địa phương, có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha. Còn trong lĩnh vực đầu tư công, các dự án của ngành giao thông chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần đang khiến nợ công tăng lên từng ngày do vay từ nguồn vốn ODA…

Trong thời gian qua, nhiều giải pháp được đưa ra, song chưa mang lại hiệu quả, xử lý triệt để. Đã đến lúc cần những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý vấn nạn trên bằng việc xử lý trách nhiệm.

Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài cuối: Xử lý trách nhiệm - 'giải pháp của giải pháp'

Các dự án đường sắt trên cao đều đội vốn và chậm tiến độ. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Từ đội vốn nhiều lần nhưng không thể quy trách nhiệm...

Đã có không ít những dự án đầu tư công đội vốn nghìn tỷ. Điển hình như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng; dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ban đầu chỉ có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian thì đội vốn thêm hơn 2.500 tỷ đồng, lên 4.400 tỷ đồng, thế nhưng dự án vẫn thi công ì ạch và liên tiếp xin gia hạn. Đặc biệt hai “đại dự án” lớn: Đường sắt trên cao Hà Nội và dự án đường sắt đô thị TPHCM (Metro TPHCM) liên tục trễ hẹn, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay cũng chưa rõ thời gian nào sẽ hoàn thành.

Tính đến nay chỉ tính riêng 5 dự án (trong đó Dự án đường sắt trên cao Hà Nội gồm: Tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến Cát Linh - Hà Đông; đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị TPHCM gồm: đoạn Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương) đã đội vốn tới 132.576 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD, số tiền phải chi ra gấp nhiều lần so với 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương.

Nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công bị điều chỉnh nhiều lần dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ. Nguyên nhân do đâu? Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để triển khai được dự án phụ thuộc vào rất nhiều khâu, khi triển khai dự án phải được lập trình từ dưới lên và phải chốt trong kế hoạch đã định. Trong trường hợp dự án được chuyển xuống dưới cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải lập thiết kế cơ sở và trình Bộ Xây dựng. Khi Bộ Xây dựng thẩm định xong thì mới tổ chức đấu thầu, nếu có vướng mắc liên quan đến vốn thì lại báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi tiếp tục thẩm định lại vì liên quan đến việc thay đổi quy mô, thay đổi kết cấu của dự án, mỗi khi phát sinh vấn đề thì phải làm lại, mà làm lại thì còn dài hơn làm từ đầu, do đó dẫn đến chậm tiến độ. “1 năm có khoảng 2.000 công trình trên toàn quốc. Và với việc chỉnh sửa, thay đổi chỉ tập trung vào Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ, thậm chí có những dự án phải trình cả Quốc hội vì liên quan đến nguồn vốn, chưa kể một số dự án có thời gian kéo dài, vốn đầu tư cũng bị chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác nên dẫn đến chậm” - ông Sinh chỉ ra thực trạng và cũng cho rằng: đa số các dự án sử dụng vốn đầu tư công hiện nay phải điều chỉnh, thậm chí có dự án phải điều chỉnh đến 39 lần, còn việc điều chỉnh 5-6 lần là “chuyện bình thường”, triển khai thì rất chậm, hiệu quả rất thấp. Ở đây, trong yếu tố chủ quan có việc làm không hết trách nhiệm của những người thực thi công vụ, dẫn đến những việc đội vốn, kéo dài thời gian. “Kể cả anh giải thích thuyết phục đi chăng nữa thì vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đó, nhưng ở đây chẳng ai chịu trách nhiệm cả” - ông Sinh nói.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, ĐBQH của TPHCM, cũng thẳng thắn chỉ rõ: Các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, và vay ODA cũng là nợ công. Đây là vấn đề cần làm rõ trong việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng tài sản công. “Phải làm rõ người chịu trách nhiệm chính như: Ai chủ trì? Ai phối hợp? Trách nhiệm chính như thế nào, trách nhiệm có liên quan ra sao? Nhất là dự án bị kéo dài liên quan đến trách nhiệm của nhiều người, và đó là quá trình cần làm rõ và rút kinh nghiệm” - ông Tuấn bày tỏ.

...Đến phải công khai, minh bạch, xử lý nghiêm minh

Giải pháp nào để khắc phục tình trạng dự án kéo dài, đội vốn, thua lỗ gây lãng phí? Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Kẽ hở trên phải được bịt bằng luật, mà cụ thể là Luật đầu tư công sửa đổi (hiện đang được Quốc hội cho ý kiến). Tuy nhiên nhìn vào những quy định mà dự thảo luật này đang quy định, cần phải bổ sung làm rõ nội dung công khai minh bạch trong đầu tư công ngay từ khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Bởi theo đánh giá của ông Hà, phạm vi công khai minh bạch trong đầu tư công đã bị thu hẹp, nhất là không thể hiện rõ nội dung công khai minh bạch ngay từ khâu: Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Do đó đã làm mất khả năng tiếp cận thông tin, gây hoài nghi, bức xúc cho nhân dân vùng dự án cũng như chưa bảo đảm nguyên tắc dân biết, dân bàn, có nguy cơ xảy ra tham nhũng trong những khâu này. Bên cạnh đó, một giải pháp được ông Hà đưa ra đó là ngay trong Luật Đầu tư công sửa đổi cần bổ sung làm rõ tiêu chí và thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công khẩn cấp. Bởi dù Điều 4 của dự thảo luật tuy đã giải thích về dự án đầu tư công khẩn cấp nhưng theo ông Hà thì “quy định này chưa rõ dẫn đến nguy cơ lách luật, lạm quyền, tham nhũng, nhất là dự án đầu tư công lại là dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, không cần phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn”. Để tránh các nguy cơ này, ông Hà cho rằng cần phải bổ sung vào dự thảo luật tiêu chí thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công khẩn cấp, đồng thời rà soát bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhất là thống nhất với Luật Quy hoạch.

Theo PGS-TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - thì lâu nay chúng ta không quy trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm cho các đơn vị và đó là kẽ hở lớn nhất dẫn đến tình trạng đội vốn kéo dài do những cơ quan tư vấn, phê duyệt cố tình “làm cho có” để có được dự án. Do đó, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này phải xác định rõ trách nhiệm.

Xung quanh vấn đề đầu tư công, giải pháp và trách nhiệm, ông Đỗ Văn Sinh trăn trở: Cần phải xiết lại kỷ cương, bởi lâu nay việc đội vốn, kéo dài dự án nhưng “chẳng ai làm sao cả”. Hiện nay vốn đầu tư phân cho người đứng đầu, cụ thể là Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, các chủ đầu tư; sau đó đến mới người quản lý cụ thể, nhưng chưa thấy một trường hợp nào triển khai chậm, kéo dài tăng vốn mà bị kỷ luật trừ khi tham nhũng thì mới bị xử lý. Cho nên cái quan trọng nhất ở đây chính là kỷ cương, chính là chế tài, trách nhiệm công vụ, vì đầu tư công là cán bộ công chức thực hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. “Tôi ví dụ: đối với các chính trị gia các nước, là Bộ trưởng của một ngành mà để xảy ra một việc gì đó tác động xấu đến xã hội người ta từ chức ngay” - ông Sinh đưa ra dẫn chứng.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà cũng nhấn mạnh: Trong Luật Đầu tư công sửa đổi cần bổ sung làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung đầu tư công. Bởi dự thảo luật quy định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện công khai nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật, nhưng các quy định này còn chung chung, chưa thể hiện rõ theo quy định của pháp luật nào, còn mang tính hình thức, không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm người đứng đầu và triển khai thực hiện trên thực tế. “Do đó cần phải bổ sung làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung đầu tư công, nhất là làm rõ 8 vấn đề gồm: Nguyên tắc đối tượng, thời gian, địa điểm, hình thức, phương pháp, phương tiện, các điều kiện bảo đảm về tổ chức, cán bộ, kinh phí, tiêu chí đánh giá hiệu quả, xử lý trách nhiệm người đứng đầu” - ông Hà cho hay.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Phải đánh giá hiệu quả đầu tư

Thực tế cho thấy không ít dự án đầu tư công kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng an cư, sinh kế và suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân vùng dự án, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng như dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Polyeste Đình Vũ, dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên. Để chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công, củng cố niềm tin của cử tri, của nhân dân, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải bổ sung vào dự thảo tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư công, đồng thời rà soát luật chuyên ngành khác, nhất là Luật Xây dựng, để bổ sung quy định về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án thuộc loại này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn? - Bài cuối: Xử lý trách nhiệm - 'giải pháp của giải pháp'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO