Thay đổi định nghĩa về ‘tiêm chủng đầy đủ’

Hà Anh 23/12/2021 07:53

Biến thể Omicron đã khiến xu hướng ca nhiễm tăng nhanh, kể cả những nước đã có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao. Trước thực tế đó, chính phủ nhiều nước đang bắt đầu xem xét lại định nghĩa “tiêm chủng đầy đủ”, nhằm thúc đẩy mũi tiêm tăng cường để ứng phó biến chủng lây này.

Không dễ nhưng cần thay dổi

TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết, vấn đề này đang được đưa ra để thảo luận. TS Fauci cho rằng, việc định nghĩa lại khái niệm “tiêm chủng đầy đủ” sẽ có ý nghĩa với các quy định hoặc các doanh nghiệp để yêu cầu tiêm chủng. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Chắc chắn rằng, việc tiêm phòng tối ưu là tiêm nhắc lại”.

Việc xem xét lại định nghĩa “tiêm chủng đầy đủ” trong phòng, ngừa Covid-19 bắt đầu đóng một vai trò lớn trong cuộc sống của hầu hết người Mỹ, bởi việc được “tiêm chủng đầy đủ” không chỉ cung cấp khả năng bảo vệ chống lại virus mà còn cung cấp một số quyền tự do nhất định.

Đối với một số người lớn, được “tiêm chủng đầy đủ” sẽ quyết định liệu họ có thể đi làm hay không. Còn với một số gia đình, được “tiêm chủng đầy đủ” sẽ cho phép họ có thể đi du lịch nước ngoài. Trẻ em được “tiêm chủng đầy đủ” có nghĩa là các em có thể đến trường học trực tiếp.

Nhưng việc thay đổi định nghĩa về “tiêm chủng đầy đủ” không phải việc dễ thực hiện và nó đã gặp phải một số trở ngại, như sự phản đối của những người có tư tưởng bài vaccine.

Dù vậy, các nhà khoa học vẫn giữ quan điểm lạc quan về liều vaccine tăng cường. Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho rằng, có thể chỉ là “vấn đề thời gian” trước khi định nghĩa “tiêm chủng đầy đủ” được thay đổi.

Cùng với đó, GS TS Peter Hotez, Trưởng khoa Y học nhiệt đới tại Đại học Y Baylor, khẳng định thêm: “Khi bạn tiêm liều vaccine thứ ba, bạn sẽ nhận được lượng kháng thể trung hòa virus tăng gấp 30- 40 lần và do đó có nhiều khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới, bao gồm cả Omicron. Liều thứ ba cung cấp cho bạn 70% đến 75% bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng”.

Các nước tiêm mũi tăng cường thế nào?

Với khuyến cáo của các nhà khoa học về công dụng của mũi vaccine tăng cường đối với biến thể Omicron, nhiều nước trên thế giới như Israel, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu và châu Á đang đặt niềm tin vào biện pháp này.

Israel là nước tiên phong triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường từ cuối tháng 7, với đối tượng đầu tiên là nhóm trên 60 tuổi đã tiêm liều thứ hai được 5 tháng. Đến ngày 29/8, Israel bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả những người từ 12 tuổi trở lên. Giờ đây, những người tiêm liều thứ hai sau 6 tháng phải tiêm mũi tăng cường mới đủ điều kiện duy trì “thẻ xanh vaccine”, giúp họ có thể đến nhà hàng, phòng gym và các địa điểm công cộng khác.

Tại Anh, Thủ tướng Johnson cho biết, một nửa dân số trưởng thành của Anh đã tiêm mũi thứ ba sau khi chương trình được đẩy nhanh vì sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Anh hiện tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành, cách liều thứ hai 3 tháng.

Ngày 24/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành, ưu tiêu những người trên 40 tuổi. Tương tự Anh, nhiều nước châu Âu đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành như Đức, Pháp, Áo, Hy Lạp.

Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua này, với quyết định phê duyệt tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành vào ngày 19/11. Hôm 30/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi tất cả người trên 18 tuổi tiêm mũi tăng cường nhằm ứng phó với biến chủng Omicron.

Khác với các nước trên, nhiều quốc gia hiện không tiêm mũi tăng cường diện rộng, mà chỉ tiêm liều bổ sung cho những người có hệ miễn dịch kém, người cao tuổi hoặc dễ bị tổn thương, tương tự khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Một số nước châu Âu đang áp dụng chính sách này, trong đó có Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada cũng đang khuyến nghị tiêm mũi bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng.

Tại châu Á, Nhật Bản mới bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế từ hồi đầu tháng, dự kiến tiêm cho người cao tuổi từ tháng 1/2022, với khoảng cách giữa hai liều là 6 tháng.

Chính phủ Indonesia cũng dự kiến đẩy sớm chương trình tiêm tăng cường, bắt đầu từ tháng 1 năm sau, sau khi các nghiên cứu cho thấy hai liều vaccine giảm hiệu quả trước biến chủng Omicron.

Một số nước Đông Nam Á khác tỏ ra khẩn trương hơn so với Indonesia. Tại Malaysia, chương trình tiêm chủng tăng cường được áp dụng với những người trên 18 tuổi đã tiêm đủ hai mũi, thậm chí bắt buộc với những người trên 60 tuổi, từng tiêm vaccine Sinovac và thuộc các nhóm nguy cơ cao. Singapore và Campuchia cũng đang tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành.

Về chủng loại vaccine được sử dụng cho mũi tiêm tăng cường, hầu hết các quốc gia đang triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường đều sử dụng hai loại vaccine phát triển bằng công nghệ mRNA là Pfizer và Modena. Ngoài ra, một số nước sử dụng loại vaccine khác, như Campuchia và Thái Lan dùng vaccine AstraZeneca, Bahrain dùng Sputnik V, Trung Quốc dùng ba loại vaccine nội địa là Sinovac, Sinopharm và Cansino.

Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London, mũi tăng cường có khả năng đạt hiệu quả 80-85,9% trong ngăn bệnh trở nặng ở những người nhiễm Omicron. Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với khả năng ngăn ca trở nặng của mũi vaccine tăng cường với những biến chủng trước đó, nhưng vẫn sẽ giúp nhiều người không phải nhập viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi định nghĩa về ‘tiêm chủng đầy đủ’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO